Tháo nghẽn cho giải ngân vốn đầu tư công

23/05/2018 - 07:26

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Ảnh: C.Trúc

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Ảnh: C.Trúc

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là thấp nhất so với cùng kỳ các năm qua. Điều này đang ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu nguồn vốn 53 ngàn tỷ đồng sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 nói riêng và việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh nói chung. Đồng thời, gây ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tỷ lệ giải ngân còn thấp

Tổng vốn phân bổ đầu tư công toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018 trên 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 4, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 15,2% kế hoạch (tương đương 530,838 tỷ đồng). Ước giải ngân đến hết tháng 6 cũng chỉ đạt 34,8% kế hoạch (tương đương 2.217,63 tỷ đồng).

Phân tích về vấn đề này, ông Dương Văn Phúc - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các nguồn lực để đầu tư trong ngân sách đã xác định thông qua kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Trong nhiệm kỳ này, tỉnh xác định vốn đầu tư toàn xã hội là 80,2 ngàn tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2015 là 58 ngàn tỷ đồng) vốn đầu tư công được Trung ương thông báo và nghị quyết Trung ương hỗ trợ khoảng 11 ngàn tỷ đồng, tỷ trọng 14%. Đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 47%. Một trong những vấn đề đặt ra là làm sao để huy động và hấp thu nguồn vốn theo trọng tâm là năm tăng tốc hành động, triển khai tốt các công trình dự án, nhất là giải phóng mặt bằng.

Kết quả việc triển khai các dự án đầu tư công hiện rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 4 chỉ đạt 15,2%, như Khu công nghiệp Phú Thuận; dự án đường 173 qua các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri (mới giải ngân được 1%)… Đây là điển hình một số dự án đã được phân bổ vốn đầy đủ nhưng chưa giải ngân. Còn nhiều dự án khác cũng đang bị chậm trong khâu đầu tư, dẫn đến chậm trong giải ngân thanh toán, làm kéo giảm tỷ lệ giải ngân vốn, việc hấp thụ nguồn vốn chậm.

Theo ông Dương Văn Phúc, điểm nghẽn hiện nay ở khâu chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Vướng bởi công tác đo đạc thu hồi đất, xác định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k) cũng như các phần việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo quy định, dự án lớn đi qua địa bàn từ hai huyện trở lên thì phải thuê tư vấn. Vừa qua, ngành tài nguyên và môi trường rất tập trung nhưng vẫn bị vướng. Đồng thời, theo quy định pháp luật, các dự án trên 500 triệu đồng thì phải đấu thầu lựa chọn tư vấn. Khâu này gây tốn rất nhiều thời gian. Nhưng nếu không thuê đơn vị tư vấn để xác định hệ số k thì chủ đầu tư không có cơ sở để trình phương án đền bù và không giải ngân cho các bước tiếp theo được...

Hiện nay, quy trình thủ tục bị dậm chân nhiều ở khâu chọn thầu, gồm các công đoạn: mời thầu, xét thầu, công nhận thầu, ký hợp đồng thầu. Sau khi chọn thầu, các nhà thầu phải tốn nhiều thời gian cho việc khảo sát thực địa.

Cần giải pháp linh hoạt

Câu chuyện thi công cống Thủ Cửu tại huyện Giồng Trôm thời gian qua là một bài học kinh nghiệm hay về giải phóng mặt bằng. Riêng UBND huyện đã chủ trì 11 cuộc đối thoại với dân trong vùng dự án. Tất cả các cuộc đối thoại đều có lãnh đạo UBND huyện dự và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Một kinh nghiệm khác là việc triển khai giải phóng mặt bằng đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết và có tâm huyết, hết lòng, hết sức vì công việc. Vì thế, thời gian qua, việc giải phóng mặt bằng tại Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm và Ba Tri gặp thuận lợi.

Giải pháp của huyện Châu Thành trong thời gian tới là cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về phương án bồi thường, điện, nước, viễn thông, hoa màu. Thậm chí việc xác định hệ số k phải tính theo đường bộ hoặc đường sông chứ không thể chỉ áp giá đường bộ.

So với các địa phương, TP. Bến Tre có nhiều công trình, dự án nhất. Ngoài Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh (vốn ODA) đã giải phóng mặt bằng, sắp tới, thành phố tập trung giải phóng mặt bằng kè Phường 8, loạt dự án ngoài ngân sách như dự án nâng cấp đô thị TP. Bến Tre, dự án đô thị Tây Bắc, dự án mở rộng đô thị phía Nam. Hiện nay, thành phố mới triển khai khối lượng ít đã tắc. Vì thế, thành phố đề nghị ngành tài nguyên và môi trường cần linh hoạt có những đề xuất, kế hoạch căn cơ để tránh chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng, triển khai các công trình, dự án.

Tại buổi làm việc về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào tuần qua, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản tham mưu UBND tỉnh gửi Kho bạc tỉnh xin tạm ứng kinh phí dành cho công tác đo đạc, thực hiện việc giải ngân; phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu kỹ công tác định giá cụ thể hệ số k; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký sử dụng vốn 10% quỹ dự phòng. “Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, thời gian sắp tới, tỉnh rút kinh nghiệm có giải pháp sử dụng vốn ngân sách để triển khai đón đầu một số dự án chứ không đợi duyệt danh mục dự án mới triển khai” - ông Cao Văn Trọng nhấn mạnh.

Về trình tự thủ tục giải phóng mặt bằng cũng tốn nhiều thời gian như công tác đo đạc, kiểm đếm; thủ tục lựa chọn các nhà thầu để thực hiện các dịch vụ tư vấn; công tác xác định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k) để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Trong các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, việc xác định hệ số k tính tiền bồi thường giá đất được xem là ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi có nhiều trường hợp tạo biến động tăng giá ảo để đòi nâng giá bồi thường. Hoặc việc xác định giá cây trồng, vật nuôi, vật tư kiến trúc trong bồi thường không sát thực tế, người dân chưa đồng thuận.

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Trần Hồng Huy Cách đây 18 năm

    Cho biết khi nào mới đền bù tiền GPMB dự án ĐH.173 ở tp bến tre và khi nào mới khởi công xây dựng dự án

  • Trần Hồng Huy Cách đây 16 năm

    Dự án ĐH.173 ở bến tre đến nay vẫn chưa thấy đền bù tiền GPMB cho dân thì khi nào mới khởi công xây dựng dự án trong khi nguồn vốn đã được cung cấp đủ . Làm ảnh hưởng đến rất nhiều người dân trong khu vực bị GPMB của dự án

Liên kết hữu ích