Tuyên dương Nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2019

23/10/2019 - 08:49

BDK - Tại lễ tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 tại Hà Nội vừa qua, ông Trần Thành Nam, sinh năm 1945, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành vinh dự được chọn là một trong 63 nông dân xuất sắc nhất toàn quốc đại diện 63 tỉnh, thành trong cả nước được Trung ương vinh danh khen thưởng.

Ông Trần Thành Nam bên vườn chôm chôm.

Ông Trần Thành Nam bên vườn chôm chôm.

Người nông dân mới

Ông Trần Thành Nam cho biết, thời điểm này đã hết mùa trái cây, nhưng ông đang vào đợt thu hoạch chôm chôm Thái, giá 36 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá tốt của người trồng chôm chôm hàng năm. Tuy nhiên để được giá này, ông phải dùng kỹ thuật xử lý cây chôm chôm cho trái nghịch vụ. Ước đoán, với diện tích 5.000m2 chôm chôm Thái, sản lượng đạt trên 10 tấn, với giá này, ông thu về trên 360 triệu đồng.

Ngoài chôm chôm Thái, ông còn trồng các loại chôm chôm nhãn, chôm chôm java (chôm chôm thường). Hiện chôm chôm nhãn có giá trên 30 ngàn đồng/kg, ước hàng năm thu hoạch 30 tấn, chôm chôm thường thu hoạch từ 40 - 50 tấn, giá nghịch vụ trên 20 ngàn đồng/kg.

Ông Nam cho hay, gốc chôm chôm cao tuổi nhất cũng trên 50 năm tuổi. Đối với khu vườn chôm chôm nào có nhiều cây già cỗi, ông đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Hiện diện tích trồng sầu riêng mới và gần cho trái đạt khoảng 1 mẫu (1ha); diện tích bưởi da xanh xen sầu riêng đã cho thu hoạch cũng khoảng 1 mẫu. Đặc điểm của mô hình trồng bưởi xen sầu riêng là cây sầu riêng tạo bóng mát cho bưởi, giúp trái bưởi không bị nám do nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, khuyết điểm của mô hình này là người trồng không xử lý đất cho cây sầu riêng có thể ra bông trái vụ mà chỉ có thể thu hoạch theo đúng mùa vụ tự nhiên của cây trồng.

Tổng diện tích đất sản xuất cây ăn trái đặc sản của ông Nam khoảng 6 mẫu. Trong đó, của ông Nam gần 5 mẫu, còn lại là thuê thêm của người trong gia đình để sản xuất. “Ban đầu đời sống cũng chật vật. May mắn được cha mẹ cho 1 mẫu đất, tôi cần cù, chịu khó làm ăn, dần dần khá giả rồi mướn thêm, mua thêm để tích tụ thêm”, ông Nam kể.

Với diện tích sản xuất khá lớn so với đa số nông dân khác ở Tân Phú và toàn tỉnh nói chung, cùng với cơ cấu cây trồng phù hợp và tổ chức sản xuất quanh năm nên ông Nam góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tại địa phương, lúc cao điểm như thời điểm thu hoạch rộ chôm chôm là trên 20 lao động.

Chia sẻ kinh nghiệm

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, lão nông Trần Thành Nam, 74 tuổi cho biết: Muốn trồng cây có hiệu quả, trước hết phải nghiên cứu thổ nhưỡng vùng đất thích hợp với loại cây trồng nào, chứ không thể nghe ở đâu có loại cây có kinh tế cao nhưng thổ nhưỡng không thích hợp mà vẫn trồng thì sẽ thất bại. Khi trồng phải chăm sóc thường xuyên, như cây sầu riêng, nếu bỏ quên vài tháng thì cây sẽ bị sâu bệnh mà hư hỏng dẫn đến chết.

Khi trồng loại cây nào cũng cần phải biết ưu và nhược điểm của nó, như ưu điểm của cây sầu riêng so với chôm chôm là nếu xử lý mà không ra bông như ý muốn thì có thể xử lý lại. Qua mùa nắng, cây không thể thiếu nước mà phải được tưới tẩm thường xuyên. Đặc biệt, vườn cây phải thiết kế đường ống dẫn nước, đê bao hoàn chỉnh, đảm bảo có nước ngọt tưới tiêu cho cây trồng quanh năm và có khoa học. Riêng khu vườn của ông, toàn bộ được thiết kế lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. 

Có được thành công trong sản xuất, phát triển kinh tế, ông tích cực đóng góp xây cầu, đường trong ấp, xã, giúp giao thông thông thoáng, người dân có điều kiện chăm chút cho cảnh sắc nông thôn mới khang trang, diện mạo thêm tươi đẹp. Ngoài ra, ông cũng là mạnh thường quân tích cực của các trường học tại địa phương và được tuyên dương vì sự nghiệp giáo dục. Bình quân đóng góp phúc lợi xã hội khoảng 30 - 50 triệu đồng/năm. Với thành tích trong sản xuất nông nghiệp cũng như đóng góp tại địa phương trong nhiều năm qua, năm 2017, ông Trần Thành Nam đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen tuyên dương Nông dân xuất sắc toàn quốc. Năm nay là lần thứ hai ông đại diện nông dân Bến Tre ra Hà Nội nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Theo ông Lê Nhựt Chiêu - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh, mô hình sản xuất của ông Trần Thành Nam là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp rất có hiệu quả, cần được nhân rộng. Cái hay ở ông Nam là biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xử lý cây cho trái nghịch vụ nên giá cả thu hoạch cao. Bên cạnh thành công của gia đình, ông Nam còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho cộng đồng, giúp nông dân tại địa bàn xã Tân Phú, các xã lân cận tiếp cận kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất hiệu quả như ông.

 “Đây là một mô hình hay, tính lan tỏa rất cao, Hội Nông dân tỉnh đang phối hợp nhân rộng mô hình ra nhiều nông dân biết học hỏi để làm theo trong thời gian tới”, ông Lê Nhựt Chiêu cho biết.

Ông Trần Thành Nam là thành viên Câu lạc bộ nông dân tỷ phú của tỉnh, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm tại các buổi sinh hoạt, với nhiều nội dung bổ ích cho nông dân như về dự báo sâu bệnh, cách phòng trừ; vận động bà con liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN