Diễn biến tình hình mặn xâm nhập và các vấn đề cần quan tâm

30/06/2013 - 17:19

Hàng năm vào mùa khô, mặn theo dòng triều xâm nhập sâu vào các sông chính trong tỉnh, gây thiệt hại nhiều đến sản xuất và đời sống người dân. Đặc biệt, trong một vài năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết khí tượng thủy văn ngày càng khó lường.

Bến Tre là một trong những tỉnh chịu tác động nặng nề, triều biển Đông dâng cao đẩy mặn vào sâu các sông, mặn theo triều cho nên một ngày thường xuất hiện 2 đỉnh mặn và 2 chân mặn. Trị số đỉnh mặn và chân mặn thường xuất hiện sau đỉnh triều và chân triều từ 1 đến 3 giờ. Độ mặn xâm nhập trong sông càng về thượng lưu càng giảm.              

Những năm 1990, 1993, 1996, 1998, 1999 và những mùa khô năm 2002, 2004, 2005, 2007, 2009, 2010, 2011, 2013 là những năm mặn xâm nhập sâu và tình hình mặn rất gay gắt; đặc biệt, mùa khô những năm 1990, 1994, 1998, 2004, 2010, 2011, 2013 mặn xâm nhập ở dạng xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và kéo dài gây ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân trong tỉnh. Ranh mặn 3%o-4%o cao nhất xâm nhập trên các sông chính đã lên đến trên 55km, riêng sông Hàm Luông lên đến khoảng 65km. Trên sông Cửa Đại đã lên đến xã An Khánh, Phú Túc (Châu Thành); trên sông Hàm Luông đến xã Phú Sơn (Chợ Lách); trên sông Cổ Chiên lên đến xã Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc); trên sông Ba Lai lên đến xã Phú An Hòa, An Khánh (Châu Thành); ranh mặn 1%o xâm nhập sâu nhất khoảng 70km trên các sông chính gần như trọn vẹn địa bàn tỉnh Bến Tre. Đặc biệt, tại Vàm Mơn trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 60km, độ mặn lớn nhất năm 1998 là 3,2%o, năm 2004 là 4,3%o, năm 2005 là 4,6%o, năm 2010 là 3,4%o, năm 2011 là 3%o.

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ xâm nhập mặn sâu, trong đó có thể xét đến 3 nguyên nhân chính: Dòng chảy kiệt trên thượng nguồn các con sông (lượng nước ngọt mùa khô) thuộc vào những năm ở mức thấp nhất; sự xuất hiện của gió chướng (gió có yếu tố hướng lệch Đông) nhiều đợt trong mùa khô, mỗi đợt khoảng 4 ngày, trong tháng có 2 đợt trở lên, tốc độ gió trung bình mạnh nhất vùng ven biển đạt cấp 4-5 (từ 6-10m/s) trở lên; thủy triều biển Đông vào những ngày mùa khô ở mức cao. Với sự tác động mạnh mẽ và đồng bộ của 3 nguyên nhân này, xâm nhập mặn trên các sông chính sẽ từ mức độ xâm nhập sâu đến rất sâu.

Để giúp người dân chủ động trong việc ứng phó với hiện tượng mặn xâm nhập sâu, Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh tăng cường công tác phân tích và dự báo mặn. Hiện, dọc theo các sông, từ cửa sông về phía thượng nguồn có một mạng lưới trạm đo mặn. Cụ thể: trên sông Hàm Luông có trạm An Thuận, Phú Khánh, Sơn Đốc, Mỹ Hóa, Vàm Mơn; trên sông Cổ Chiên có trạm Bến Trại, Hương Mỹ, Thành Thới; trên sông Cửa Đại có trạm Bình Đại, Lộc Thuận, Giao Hòa; trên sông Ba Lai có trạm Long Hòa (đo mặn xâm nhập vào sông Ba Lai theo kênh Giao Hòa - An Hóa ). 

Qua số liệu phân tích từ các trạm cho thấy: do mùa mưa năm 2012 lũ thượng nguồn sông Cửu Long rất nhỏ (gần như không có lũ) nên nước ngọt thượng nguồn đổ về ít, kết hợp mực nước đỉnh triều cao nhất hàng ngày trên các triền sông và kênh rạch trong tỉnh vào các tháng mùa khô (2012-2013) cao hơn trung bình nhiều năm từ 10cm đến 25cm. Đặc biệt, đầu tháng 1-2013, độ mặn 4%o trên các sông: Hàm Luông, Cửa Đại, Cổ Chiên đã xâm nhập cách các cửa sông khoảng 20km; vào giữa tháng độ mặn 4%o đã xâm nhập cách các cửa sông khoảng 28km-30km. So với năm 2012, mùa khô năm nay, mặn xâm nhập sớm hơn khoảng 2 tháng (cuối tháng 2, đầu tháng 3 mùa khô năm 2012, độ mặn 4%o mới xâm nhập cách các cửa sông khoảng 20km). So với xâm nhập mặn trong vòng 5 năm gần đây (2008-2012), năm 2013 xâm nhập mặn sớm hơn từ 1 đến một tháng rưỡi.

Tại Trạm mặn Mỹ Hóa, 2013 là năm xâm nhập mặn sớm với độ mặn cao; so với năm 2010 (là năm mặn xâm nhập sâu nhất và kéo dài với độ mặn cao nhất là 9%o) thì năm 2013 mặn xâm nhập sớm hơn khoảng 2 tháng; so với năm 2011 (là năm mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài với độ mặn cao nhất là 8.2%o) thì năm 2013 mặn xâm nhập sớm hơn khoảng 1 tháng; so với trung bình 5 năm (2008-2012) thì năm 2013 mặn xâm nhập sớm hơn khoảng một tháng rưỡi và kéo dài với độ mặn cao, gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và thủy sản, nước sạch và vệ sinh môi trường nghiêm trọng.

Để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu với hiện tượng thời tiết khí tượng thủy văn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, việc chú trọng nâng cao năng lực công tác quan trắc, phân tích, thu thập số liệu, cảnh báo, dự báo là điều quan trọng. Song song đó, công tác thông tin kịp thời về tình hình khí tượng thủy văn, mặn xâm nhập sâu là điều không thể thiếu, góp phần giúp người dân chủ động phòng, chống và giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững của tỉnh nhà.

KS. Nguyễn Văn Hạnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN