Dự án IFAD được thiết kế là cho Việt Nam!

01/11/2012 - 16:54

Đó là lời khẳng định của ông Henning Pederson - Giám đốc IFAD tại Việt Nam. Chiến lược của IFAD đầu tư tại Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ các tỉnh nghèo thực hiện phát triển nông thôn theo định hướng thị trường; tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo nông thôn tới thị trường hàng hóa và thị trường lao động; nâng cao năng lực cho các hộ nghèo nông thôn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, trong thiết kế dự án cũng như trong quá trình giám sát, các khuyến nghị đều nhằm phục vụ cho tỉnh, cho cộng đồng Việt Nam chứ không phải cho IFAD. Thiết kế dự án IFAD như thế nào là vấn đề được Giám đốc Ban Quản lý dự án IFAD các tỉnh thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong ngày làm việc đầu tiên, tại Hội nghị tổng kết Dự án IFAD 2012, tại Bến Tre.

Đến nay, IFAD đã đầu tư cho Việt Nam tại 11 tỉnh. Cùng mục tiêu giảm nghèo bền vững nhưng một số tỉnh có những chương trình riêng. Hà Giang và Quảng Bình là Chương trình Phân cấp giảm nghèo nông thôn (DPRPR); Hà Tĩnh, Trà Vinh thực hiện Chương trình cải thiện sự tham gia thị trường của người nghèo; Cao Bằng và Bến Tre với Dự án Phát triển Kinh doanh cho người nghèo nông thôn (DBRP); Bắc Kạn có Dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông thôn (3PAD); Đăk Nông là Dự án Tăng cường năng lực kinh tế một cách bền vững cho người dân tộc thiểu số (3EMP); Đăk Nông, Tuyên Quang, Ninh Thuận và Gia Lai cùng tham gia Dự án Hỗ trợ chương trình tam nông (TNSP); huyện Lapa (Gia Lai) thực hiện Dự án thí điểm giảm nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Văn phòng IFAD cho biết, theo đánh giá của IFAD, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Bến Tre là những tỉnh được đánh giá tốt. Nhóm đạt là Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Gia Lai, Đăk Nông, Lapa và tỉnh chưa đạt là Ninh Thuận. Kết quả chung trong thực hiện các Dự án IFAD tại Việt Nam là đạt. Những kết quả đạt được chủ yếu ở những nội dung như: tạo được môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân, đưa vào áp dụng cách tiếp cận chuỗi giá trị, tạo việc làm phi nông nghiệp và dạy nghề, xây dựng năng lực cho lãnh đạo xã, nhân rộng và thể chế hóa cách tiếp cận lập kế hoạch kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, tăng cường các dịch vụ nông nghiệp của Nhà nước và tư nhân, phát triển các nhóm hợp tác, mô hình công tư trong nông nghiệp và phi nông nghiệp, phát triển các nhóm tiết kiệm và tín dụng phụ nữ, cơ sở hạ tầng sản xuất quy mô nhỏ...

Tuy nhiên, các dự án IFAD cũng còn nhiều thách thức. Theo ông Henning Pederson, thách thức lớn nhất của Việt Nam là sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình lập kế hoạch, đặc biệt với những tỉnh mà lĩnh vực kinh tế tư nhân chưa phát triển mạnh. Các hoạt động về dịch vụ tài chính nông thôn cho các nhóm hợp tác và các doanh nghiệp, sự kết nối và lựa chọn cơ sở hạ tầng với phát triển chuỗi giá trị và các tác động giảm nghèo cũng còn nhiều vấn đề cần phải đảm bảo hiệu quả, thực chất.

Vậy một dự án như thế nào là phù hợp, hiệu quả với các tỉnh trong giai đoạn tiếp theo? Ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Dự án DBRP Bến Tre cho rằng, từng dự án có mục tiêu ngay từ đầu và quá trình thực hiện nên kiên định với mục tiêu đưa ra, không nên áp thành công của vùng này cho vùng khác hoặc vấn đề khác. Chẳng hạn, Dự án đang thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nhưng lại lồng vào nông thôn mới theo tình huống xuất phát mới nên đã gây áp lực lớn, thậm chí bối rối cho ban quản lý. Đồng quan điểm này, ông Phan Thành Biển - Giám đốc Dự án Hà Tĩnh nêu, trong thiết kế dự án nên giảm bớt các rào cản về mức độ khó. Bởi nếu thiết kế quá cao, xa thực tế thì có khi người dân không tiếp cận được.

Một vấn đề được đặt ra nữa là tính logic trong thiết kế. Ông Phan Thành Biển và ông Hà Văn Hòa - Giám đốc Dự án Tuyên Quang có cùng quan điểm cho rằng cách tiếp cận tín dụng của tổ, nhóm là mục tiêu hay của IFAD. Nhưng, trong quá trình thực hiện, IFAD và ngân hàng đối tác lại ký hiệp định với nội dung: tất cả chính sách cho vay của IFAD phải thống nhất với cơ chế cho vay của ngân hàng. “Như vậy là không có gì mới, người vay phải có tài sản thế chấp là chủ yếu, còn chiến lược hay phương án kinh doanh của tổ, nhóm không còn là yếu tố quyết định” - ông Hà Văn Hòa nói.

Làm thế nào để doanh nghiệp, người dân thật sự tham gia vào các hoạt động phát triển chuỗi giá trị, lập kế hoạch kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường là vấn đề khó. Ông Nguyễn Trúc Sơn nói, nếu không đưa doanh nghiệp vào chuỗi thì việc giảm nghèo không bền vững. Nhưng, muốn làm được điều đó phải có sự hợp tác hài hòa, cùng có lợi. Bởi, nếu Dự án IFAD không có chính sách nào ưu đãi hơn quy định của Chính phủ, thì khó có doanh nghiệp nào chịu đầu tư về nông thôn.

Trên cơ sở các nội dung tổng thể của chương trình IFAD, từng chuyên đề sẽ được đại biểu tiếp tục thảo luận để đưa ra thống nhất vào chiều nay, 2-11-2012.

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích