Hội thảo mô hình trồng dưa lưới, dưa lê trong nhà màng

27/01/2016 - 07:03

Ảnh: M. Phương

Sáng 26-1-2016, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tổ chức hội thảo báo cáo việc chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình thực nghiệm trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng. 

Tham dự buổi hội thảo có bà Võ Thị Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đại diện các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại, cùng khoảng 50 nông dân ở các địa phương này đến dự.

Thạc sĩ Võ Hoài Chân - Phó Giám đốc Trung tâm, chủ nhiệm dự án này cho biết: Dự án thực hiện từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2017, với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng, do Trung tâm Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Đây được xem là dự án làm tiền đề nhân rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với du lịch.

Từ tháng 10-2015 đến tháng 1-2016, dự án đã thực nghiệm được mô hình dưa lưới diện tích 700m2 trong hệ thống nhà màng và ứng dụng quy trình canh tác trồng trên giá thể, tưới nhỏ giọt, bón phân bằng dung dịch dinh dưỡng kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt. Với 2 loại giống Taki và Tazoti có xuất xứ từ Nhật Bản, tổng chi phí gần 56 triệu đồng. Trong quá trình chăm sóc, bị thất thoát 140 cây giống nên khi thu hoạch chỉ còn 1.300 cây, tương đương 1.300 trái, trung bình 1,5kg/trái, với giá khoảng 25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 19,2 triệu đồng.

Cũng theo Thạc sĩ Hoài Chân, giá bán sản phẩm này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào vân lưới (chỉ) đẹp và trọng lượng (từ 1,2kg trở lên). Nhưng để đạt 2 tiểu chuẩn đó thì giá trị đầu tư ban đầu cao, dẫn đến chi phí khá lớn (trên 500 triệu đồng/1.000m2, chủ yếu là hệ thống nhà màng) và kỹ thuật chăm sóc cũng phải thuần thục. Đất giồng cát ở 3 huyện biển có thể canh tác tốt loại dưa này, nhưng vấn đề đầu tư nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt thì khó thay đổi được.

Ông Đức cũng như đại diện các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đánh giá cao mô hình thực nghiệm này vì tính phù hợp của nó đối với các tiêu chí sản xuất hiện đại và thị trường trong tương lai khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhiều bà con cũng quan tâm và đặt nhiều câu hỏi về giống, kỹ thuật chăm sóc... nhưng bà con còn nhiều băn khoăn vì chi phí đầu tư ban đầu khá cao.

Theo bà Trần Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm, trong dự án này, ngoài việc thực nghiệm mô hình sản xuất theo công nghệ cao cũng sẽ thực nghiệm các mô hình sản xuất theo kỹ thuật và công nghệ thấp, gần gũi với địa phương hơn; sẽ tổ chức thực nghiệm trước khi khuyến cáo nhân rộng các mô hình này tại vùng đất giồng cát thuộc 3 huyện biển.

Phương Bình

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích