Kinh tế tập thể cần được củng cố

03/01/2011 - 08:12
Sản xuất hoa kiểng ở Chợ Lách.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Phong Hải, cho biết: “Sau 5 năm hoạt động kinh tế tập thể trong ngành nông nghiệp (2006-2010), đa số các HTX chưa năng động trong phát triển kinh doanh. Tiềm lực nội tại của các HTX còn hạn chế và yếu thế trong việc cạnh tranh so với các thành phần kinh tế khác. Những HTX yếu kém chưa có sự chuyển biến rõ nét về nội dung và hiệu quả hoạt động. Cho nên, kinh tế tập thể cần được củng cố để phát huy sức mạnh của tập thể”.

Năm năm qua, kinh tế tập thể trong ngành nông nghiệp có nhiều khởi sắc, số lượng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mô hình kinh tế tập thể hoạt động chưa thật sự bền vững.

Những thắng lợi ban đầu

Phong trào xây dựng tổ hợp tác tiếp tục phát triển; năm 2010, toàn tỉnh có hơn 1.100 THT, với 14.000 tổ viên (cao nhất là lĩnh vực nông nghiệp có 395 THT). Hoạt động của THT chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ trong sản xuất, hỗ trợ nhau về giống mới, cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm. Các THT đã và đang giải quyết việc làm cho hơn 30 ngàn lao động nhàn rỗi.

Trong hoạt động HTX, riêng lĩnh vực nông nghiệp có 29 HTX với gần 13.000 xã viên, trong thời gian phát triển khá, giải quyết trên 1.058 lao động, tiêu thụ khá nhiều cây giống các loại, thay đổi dần tập quán sản xuất kinh doanh cá thể, chuyển theo hướng kinh tế tập thể.

Trong lĩnh vực thủy sản có 12 HTX, giải quyết việc làm cho trên 350 lao động thường xuyên và trên 12,5 ngàn lượt người lao động theo thời vụ, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống xã viên. Ngoài ra, các HTX thủy sản còn giữ gìn được nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và làm tăng sản lượng nghêu giống, nghêu thịt, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Từ đó, nghêu ở Bến Tre được Hội đồng quản lý biển quốc tế cấp chứng nhận MSC đối với nghề sản xuất, quản lý khai thác nghêu.

Hầu hết, các HTX đều sử dụng quỹ công ích để chi cho các hoạt động hỗ trợ xã viên có hoàn cảnh khó khăn, tham gia hoạt động phát triển nông thôn như xây dựng đường bê-tông liên xóm, liên ấp, xóa đói giảm nghèo.

Nhiều HTX đã có những hỗ trợ thiết thực cho hộ nghèo, như: cho vay lãi suất thấp, ứng trước giống, phân bón với các điều kiện ưu đãi, hỗ trợ tạo công ăn việc làm thường xuyên trong HTX. “Năm năm qua, HTX thủy sản Đồng Tâm đạt doanh thu gần 112 tỷ đồng, HTX đã xây tặng 13 căn nhà tình nghĩa, 2 căn nhà đại đoàn kết, tổng kinh phí 407 triệu đồng; thăm tặng quà cho gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, bệnh nhân nghèo, hỗ trợ các gia đình bị bão… với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng” – Phó Chủ nhiệm HTX Đồng Tâm (Thừa Đức – Bình Đại) Mai Văn Nguyên nói.

Hợp tác xã, tổ hợp tác chưa thật sự bền vững

Bên cạnh những thành quả đạt được về chất lượng sản phẩm, từng bước giữ vững, phát huy thương hiệu thì các HTX nông nghiệp - thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế, tương lai khá ảm đạm. Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, sau 5 năm hoạt động, tính tự nguyện của xã viên chưa cao, do hợp tác chưa thật sự trở thành nhu cầu bức xúc của kinh tế hộ. Việc thành lập các HTX nông nghiệp trong 5 năm qua đa số là do địa phương chạy theo số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng. Trình độ cán bộ quản lý HTX còn yếu kém, toàn tỉnh có 123 cán bộ chỉ có 3 người đạt trình độ đại học, cao đẳng. Vốn điều lệ của các HTX nông nghiệp (29 HTX) là 6,3 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ là vốn đăng ký, còn vốn thực tế bình quân chỉ 50 triệu đồng/1 HTX. Riêng vốn điều lệ của các HTX thủy sản chỉ là tượng trưng để ăn chia, không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh. “Nội dung hoạt động của các HTX nông nghiệp khá đơn điệu, chủ yếu là dịch vụ bấm tem, xác nhận sản phẩm cây giống và hỗ trợ thủ tục pháp lý giúp các hộ sản xuất cây giống, hoa, kiểng đi tiêu thụ ở các tỉnh. Do đó, có 19 HTX nông nghiệp không đủ bù đắp chi phí dẫn đến không hoạt động. Còn các HTX thủy sản thì nội dung hoạt động chủ yếu là quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên, chưa mở ra được một hoạt động nào khác để tăng thu nhập. Mối liên kết, hợp tác giữa các HTX nông nghiệp chưa tốt, còn cạnh tranh lẫn nhau trong hoạt động (tranh mua, tranh bán) dẫn đến giá cả không cao, ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế hộ gia đình” - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phan Chánh Thi bức xúc.

Huyện Chợ Lách có 10 HTX nông nghiệp, 15 tổ liên kết sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP, 343 tổ hợp tác tương trợ với hơn 6.000 thành viên. “Nhưng hoạt động của 10 HTX nông nghiệp ở Chợ Lách đang báo động đỏ, vì chỉ còn có 2 HTX hoạt động tương đối (HTX thủy sản Vĩnh Tiến, HTX cây giống hoa kiểng Cái Mơn), còn lại 4 HTX đang làm thủ tục giải thể tự nguyện, 2 HTX không hoạt động và 2 HTX hoạt động cầm chừng” – Phó Phòng NN và PTNT huyện Lê Văn Đơn cho biết.

Tổ hợp tác cũng gặp không ít khó khăn do THT còn ít kinh nghiệm. THT Thanh Tuyền chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh nấm ở ấp 2 (Tam Phước - Châu Thành) đi vào hoạt động từ năm 2007 đến nay với 22 trang trại vừa và nhỏ, nhưng không có kế toán.

Để HTX, THT ngày càng phát triển bền vững, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, các HTX, THT không nên chạy theo thành tích; phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân, phải hết lòng vì lợi ích chung. Trong quản lý điều hành HTX, THT phải dân chủ công khai; phải tranh thủ tốt sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, nhất là vai trò tư vấn, đại diện của Liên minh HTX tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN