Nông dân trẻ chí thú làm ăn

15/07/2009 - 09:30
Anh Dương Văn Dũng chăm sóc thỏ.

Anh Dương Văn Dũng, ở ấp Lộc Hiệp, xã Vĩnh Bình (Chợ Lách) là người trẻ tuổi nhất (sinh năm 1987) trong 27 nông dân sản xuất giỏi được nhận bằng khen của UBND tỉnh. Nhiều năm liền, anh Dũng thành công trong xử lý cho cây chôm chôm ra trái nghịch vụ, bán giá trung bình 10.000 đồng/kg, cao điểm 20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, anh còn là một Ủy viên BCH Chi đoàn ấp Lộc Hiệp, là thành phần trụ cột trong việc tập hợp thanh niên vào tổ sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật và con giống để lập nghiệp.

Anh Dương Văn Dũng bộc bạch, khi học hết lớp 11 nhưng do điều kiện gia đình khó khăn anh nghỉ học và làm vườn giúp gia đình. Năm 2006-2007, Dũng đi nghĩa vụ quân sự. Những ngày trong quân đội tuy ngắn nhưng đã giúp anh ý thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình. Dũng nói: Cha tuổi ngoài 70 đã đến lúc phải nghỉ ngơi và tôi phải đảm nhận phần việc làm vườn. Tuổi trẻ kinh nghiệm không nhiều, anh phải học tập các cô, chú đi trước và cán bộ kỹ thuật. Những lần xã, ấp tổ chức tập huấn kỹ thuật liên quan đến cây trồng, vật nuôi, anh đều tham dự. Anh cho rằng, bản thân nắm vững kỹ thuật xử lý cho chôm chôm ra trái nghịch vụ nhưng khi áp dụng vào 4 công đất vườn của gia đình phải điều chỉnh cho phù hợp. Anh chia sẻ: Thời điểm đậy mủ hợp lý nhất là giữa tháng 5 đến giữa tháng 7 (âl). Trước khi đậy mủ, nên quan sát phần lá của các ngọn cây. Trời nắng lá lụa xanh, mưa lá lụa non. Và tiến hành trộn lẫn phân kali và NPK, tỷ lệ 2:1. Cây trồng cho khoảng 100 kg trái/cây thì bón 1-1,5 kg, sau đó tưới nước từ 3-5 ngày, phân tan dần ra và thấm vào đất để cây hấp thụ. Công đoạn tiếp theo là phủ bạt vào gốc cây, nước trong mương được xiết cạn, tạo hạn giả. Lá trên cây chuyển sang màu vàng và rụng. Trên các ngọn cây, khi nụ bông bắt đầu xuất hiện thì cho nước vào mương đủ tưới gốc cây. Ngay thời điểm này, cây gặp phải gió chướng mạnh đơm bông ít, dùng phân kali hoà tan nước tưới vào gốc, cây đơm bông thêm khoảng 70%.

 

25 ngày đậy, mủ được giở ra, không bón phân hóa học, mà bón phân hữu cơ và vi sinh. Phân bón cây không hấp thụ liền nhưng cải tạo đất. Mặt khác, lượng phân bón trước đó cây hấp thu chưa hết, bón tiếp sẽ lãng phí. Với cách xử lý này, cây trồng cho thu hoạch vào dịp cận và sau Tết cổ truyền, không rơi vào chính vụ gặp khó khăn thị trường tiêu thụ. Trái thu hoạch có thương lái đến tận nhà thu mua, giá trung bình 10.000 đồng/kg. Dũng nói: Ấn tượng nhất là Tết vừa qua, ngày mùng 2 thương lái đến tận nhà mua giá 20.000 đồng/kg. Mỗi công thu hoạch 4 tấn trái, đem lại doanh thu không dưới 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 33 triệu đồng. 1 kg chôm chôm xử lý nghịch vụ bán gấp 5 lần chôm chôm chính vụ. Nhờ vậy, mà gia đình anh có điều kiện chuyển nhượng thêm quyền sử dụng đất, nâng tổng diện tích lên 1,1 ha.

 

Ngoài thành công trong xử lý chôm chôm ra trái rải vụ, Dũng còn là một Ủy viên BCH chi đoàn ấp Lộc Hiệp, được nhiều bạn trẻ quý mến. Anh được giao phụ trách kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm đoàn viên trẻ kỹ thuật trồng cây. Khi thấy mô hình nuôi thỏ của gia đình thành công, anh khuyến khích đoàn viên cùng nuôi. Những đoàn viên điều kiện khó khăn được cho mượn con giống, sinh sản vài lứa trả lại thỏ mẹ. Hàng tháng chi đoàn họp, đoàn viên có nuôi thỏ đem 1 con gởi  cho một đoàn viên khác nuôi. Thỏ nuôi vài tháng bán thịt để tạo quỹ, chi phí cho họp, sinh hoạt. Gần đây, chi đoàn thống nhất đề nghị Dũng làm đầu mối cung cấp thỏ con, các đoàn viên khác đem về nuôi, đến khi bán trả tiền con giống cho anh. Nuôi thỏ là nghề phụ của gia đình nhưng mỗi tháng thu nhập không dưới 1 triệu đồng.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN