Cần xử lý tình trạng nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch

03/05/2019 - 07:39

BDK - Nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch hiện đang là vấn đề nóng của các huyện ven biển, nhất là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Thời gian qua, mặc dù ngành chức năng tỉnh, huyện thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh đi thực tế kiểm tra tại hộ nuôi ở An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: Mộng Ni

Đoàn giám sát HĐND tỉnh đi thực tế kiểm tra tại hộ nuôi ở An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: Mộng Ni

Tập trung tuyên truyền, vận động

Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 44,46ha diện tích nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch với 280 hộ nuôi; trong đó, tập trung tại các xã Tân Xuân, An Hiệp, An Đức, An Ngãi Tây, An Bình Tây. Theo thống kê, huyện có 2.285 giếng khoan; trong đó,  có 1.754 giếng sử dụng cho trồng hoa màu, lấy nước sinh hoạt; 531 giếng sử dụng nuôi tôm (421 giếng trong vùng quy hoạch và 110 giếng của các hộ nuôi tôm trong vùng ngọt hóa). Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp trám lấp 290 giếng, gồm 110 giếng trong vùng ngọt hóa, 180 giếng trong vùng nước mặn có quy hoạch nuôi tôm biển. Hiện nay còn khoảng 241 giếng khoan, qua kiểm tra, các hộ này chỉ sử dụng cho mục đích lấy nước ngọt tầng mặt để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

“UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang các mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, nuôi cá sặc rằn, nuôi lươn, cá chạch lấu... Tiếp tục mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động thuyết phục bằng nhiều hình thức để người dân trong vùng ngọt hóa thấy rõ tác hại của việc nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa. Đồng thời, tranh thủ sự đồng thuận của đa số nông dân sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi nước ngọt để đấu tranh với thiểu số vì lợi ích riêng làm ảnh hưởng đến môi trường chung. Các trường hợp đào mới thì xử phạt nghiêm”, ông Chương nhấn mạnh.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Văn Đáo cho biết, hiện việc xử lý, trám lấp giếng khoan được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 72 của Bộ TN&MT. Trình tự xử lý, kỹ thuật trám lấp được quy định cụ thể. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 33 của Chính phủ. Theo đó, đối với việc khoan giếng nuôi tôm biển áp dụng các hình thức vi phạm: thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất không có giấp phép; vi phạm quy định về hành nghề khoan nước dưới đất; vi phạm quy định về phòng, chống xâm nhập mặn.

Thời gian qua, Sở TN&MT thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong việc xử lý, trám lấp giếng; quá trình thanh tra, kiểm tra của các địa phương. Bên cạnh đó, sở thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; nguy cơ sụt lún đất khi khai thác quá mức. Đặc biệt, việc khoan nước dưới đất tự phát, không chuyên môn kỹ thuật do tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện quy định về hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên này.       

Xử lý nghiêm vi phạm

Trao đổi chung quanh bức xúc này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội khẳng định, toàn tỉnh hiện có khoảng 650ha nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch với 2.377 hộ nuôi, tập trung ở huyện Ba Tri, Bình Đại và một phần của huyện Thạnh Phú. Cái khó là thời gian qua ngành đã có thí điểm tổ chức nhiều mô hình chuyển đổi như nuôi tôm càng xanh toàn đực, cá sặc rằn, nuôi lươn, cá chạch lấu... Tuy nhiên, các mô hình này chưa được các hộ dân chuyển đổi. Nguyên nhân, do các đối tượng trên thời gian nuôi kéo dài, giá bán không ổn định, đầu ra tiêu thụ khó khăn, chỉ bán nội địa. Việc quản lý nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn do các văn bản quản lý còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa các bộ, ngành hoặc xử phạt được nhưng tính răn đe không cao, do mức xử phạt thấp. Hiện hành vi nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch chỉ áp dụng xử lý theo hướng sai mục địch sử dụng đất và khoan giếng trái quy định. Sắp tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản xử lý nuôi tôm biển ngoài quy hoạch theo Nghị định số 102 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đầu tháng 4-2019, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Ba Tri tổ chức giám sát đối với UBND huyện Ba Tri về tình hình nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Theo Tổ trưởng Đỗ Minh Đức, nhìn chung, về mặt văn bản liên quan đến việc hướng dẫn xử lý vấn đề này rất cụ thể, nhưng qua khảo sát thực tế thì UBND huyện và các xã chưa phối hợp thực hiện một cách quyết liệt nên người dân vẫn thả nuôi bình thường. Đặc biệt, trong quý I-2019, tăng thêm 1 hộ nhưng qua khảo sát thực tế thì người dân đào ao nuôi vẫn tiếp diễn và vấn đề trám lấp giếng khoan vẫn chưa có sự phối hợp với địa phương xử lý một cách đồng bộ, nên số giếng khoan nhiều hơn số liệu báo cáo của UBND huyện.

Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan, UBND huyện Ba Tri tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ nêu tại Công văn số 2903, ngày 22-6-2018 của UBND tỉnh về việc xử lý nuôi tôm chân trắng ngoài quy hoạch và khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm. Ngoài ra, Đoàn giám sát đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND huyện Ba Tri tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy hoạch nuôi tôm biển trên địa bàn huyện. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp vùng ngọt hóa để thay thế con tôm biển. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các quy định của cấp trên liên quan đến xử lý nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN