Cắt lúa trên đồng nhiễm mặn

23/02/2020 - 22:15

BDK - Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa vụ Đông Xuân trên 5.000ha của tỉnh đã bị hư hại do ảnh hưởng bởi nước mặn. Mặn xâm nhập sâu và không có dấu hiệu kết thúc sớm vì vậy không có biện pháp nào cứu vãng được lúa chưa đến ngày thu hoạch. Cắt lúa cho bò ăn hoặc bỏ lúa khô trên đồng ruộng là lựa chọn của người trồng lúa.

Chị Đoàn Thị Kim Thoa, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cắt lúa cho bò ăn. Ảnh: Viết Duyên

Chị Đoàn Thị Kim Thoa, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cắt lúa cho bò ăn. Ảnh: Viết Duyên

Nước mặn xâm nhập vào nội đồng khi thửa ruộng hơn 1.000m2 nhà chị Đoàn Thị Kim Thoa, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm mới gieo sạ được 1,5 tháng. Độ mặn cao, cây mạ không chịu được mặn, nước đưa vào ruộng chỉ khiến cây mạ dần héo, khô. Không còn cách nào cứu lúa, chị Thoa đành cắt về cho 5 con bò ăn.

Theo chị Thoa, lá lúa khô, bò chê nên chị cắt được nắm nào phải giũ bỏ lá úa khô. Cắt về bò ăn được chừng nào hay chừng ấy, nếu bỏ thì tiếc. “Mình không cắt thì từ từ lúa cháy rụi xuống cũng hết. Nước mặn với đất khô quá trời. Bò ăn nhưng cũng ăn chút ít hà tại vì lúa nhám nên rát lưỡi. thường thì nó ăn cỏ, tại mình tiếc, mình cắt cho nó ăn”, chị Thoa chia sẻ.

Còn ông Phạm Văn Hiền, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri có hơn mẫu lúa giờ cũng đành cắt về cho bò ăn. Nếu mặn không đến sớm như dự báo thì chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là ông Hiền gánh lúa về nhà chứ không phải gánh mạ non về cho bò ăn như hôm nay.

Lúa nhà ông Hiền đã sắp làm đòng, hạt lúa đã hình thành trong thân cây. Cắt lúa mà như cắt vào da thịt chính mình. Tiền của, công sức, mồ hôi bao ngày đổ xuống giờ chỉ làm rơm cho bò. Để ngoài đồng lúa càng già ngày tuổi, không có nước ngọt thì lúa chết dần, bò không ăn. Thôi thì bấm bụng cắt về cho bò ăn đỡ tốn rơm.

Ông Hiền cũng cho biết: “Lúa 2 tháng 10 ngày rồi, sắp trổ nhưng nước mặn lên cờ trắng không ngậm sữa được nên cắt cho bò ăn. Nhưng 2 - 3 bữa mới cắt một bữa chứ ăn liên tục rát lưỡi, bò không ăn”. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tài, xã Mỹ Chánh cho hay khi thấy lúa hổng trổ thì tranh thủ cắt cho bò ăn chứ để lúa héo, tươi vậy bò chịu ăn lắm”.

Cắt lúa non về cho bò, trâu ăn hoặc bỏ lúa chết khô ngoài ruộng là lựa chọn của nhiều nông dân ở Bến Tre sau khi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, độ mặn cao trên 2%o không thể đưa vào ruộng.

Có nhiều diện tích lúa đã già ngày, làm đòng, hạt lép nên bò, trâu chê, không ăn, nông dân đành bỏ luôn. Theo ghi nhận của chúng tôi tại cánh đồng xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, có nhiều diện tích lúa bị khô héo, người dân bỏ mặc cho đàn bò, trâu ăn.

Cũng có người đến lúc này vẫn còn “cứu lúa” vì hy vọng đợt nước ngọt sắp tới. Ông Trương Văn Thạch, xã Mỹ Hòa có hơn một mẫu lúa vẫn đang giai đoạn làm đòng, tiếc lúa nên dù biết nước mặn, ông Thạch vẫn đưa vào ruộng. “Giờ đợi con nước tới ngọt thì bơm vào ruộng, còn hổng ngọt thì đi đứt luôn. Mẫu rưỡi ruộng chấp nhận bứt (mất) luôn mười mấy triệu. Hư thì bỏ luôn chứ giờ lúa lên cao cắt về bò, trâu ăn không được”, ông Thạch ngậm ngùi.

Trồng lúa mà không thu hoạch được hạt là điều bất khả kháng. Có lẽ cắt về cho bò ăn là cách để vớt vát được phần nào vốn liếng mà người nông dân Bến Tre đã đầu tư vào cây lúa.

Viết Duyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN