Chuyển đổi đất mía trên vùng kinh tế mới Tân Mỹ

28/11/2018 - 08:02

Xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri được thành lập vào năm 2001, trên nền tảng diện tích đất của Nông trường Quyết Thắng, đây là vùng đất hoang vu với nhiều loại cây, cỏ dại. Khi đến đây xây dựng cuộc sống mới, người dân đã khai phá, cải tạo đất và cây trồng đầu tiên được các nông hộ nơi đây ưu tiên chọn lựa là cây mía. Bởi cây mía là cây trồng dễ tính, thích nghi với nhiều loại đất, kể cả những vùng đất bị nhiễm phèn nặng. Chính cây mía là tiền đề, là cây trồng khởi nghiệp của đa số các nông hộ trên vùng đất khó này.

Vườn dừa và hoa màu của người dân Tân Mỹ được chuyển đổi từ đất mía trước đây.

Vườn dừa và hoa màu của người dân Tân Mỹ được chuyển đổi từ đất mía trước đây.

Chuyển đổi đồng loạt

Gần 20 năm trước, cùng với các xã như Châu Bình (Giồng Trôm), Phú Long (Bình Đại), các địa phương ở huyện Mỏ Cày thì xã Tân Mỹ (Ba Tri) được xem là vùng trọng điểm trồng mía của tỉnh. Bấy giờ, xã có hơn 1.200ha đất sản xuất đều được người dân trồng mía. Tới mùa thu hoạch, tấp nập ghe tàu, nhân công đến đây để vận chuyển mía cung ứng cho Nhà máy đường Long An và Nhà máy đường Bến Tre. Cây mía thời điểm này là cứu cánh, đem lại nguồn thu nhập để người dân vùng kinh tế mới từng bước ổn định cuộc sống.

Nhưng vài năm gần đây, giá mía liên tục sụt giảm, lãnh đạo xã Tân Mỹ có chủ trương vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi canh tác đất trồng mía. Mặc dù việc chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu tư cao nhưng đa số nông dân trồng mía đồng tình. Đến cuối năm 2017, cây mía ở Tân Mỹ đã nhường chỗ cho những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Từ đây góp phần làm đa dạng hóa các loại cây trồng, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung nâng cao đời sống và tiến trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Ông Huỳnh Văn Triêm, ngụ ấp Tân Phú, có hơn 15 năm gắn bó với cây mía, sau khi thu hoạch vụ mía năm 2017, đã chuyển trồng cây mì vàng. Đây là giống mới, với nhiều ưu điểm như: thịt dẻo có màu vàng, ngọt, thơm, năng suất cao. Thời gian trồng từ 6 - 8 tháng, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha. Với giá bán hiện nay, từ 4.500 - 5.000 đồng/kg, người trồng có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha sau khi trừ đi các khoản chi phí.

Cùng với trồng cây mì vàng, thì trước đó, nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác như: rau màu, gừng, bắp, dưa lấy hạt cũng có mặt trên vùng đất này. Thậm chí có cả những vườn cây ăn trái bạt ngàn, giúp cho nhiều hộ vươn lên khá giàu.

Điển hình như mô hình bưởi da xanh của anh Châu Văn Bối, ấp Tân Quí. Bằng niềm đam mê và sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh Bối mua giống bưởi da xanh về trồng xen trong đất mía đem lại hiệu quả cao.

Xây dựng vùng trái cây đặc sản

Các mô hình trên là những mô hình sản xuất tiêu biểu đạt hiệu quả kinh tế cao của nông dân Tân Mỹ trong quá trình chuyển đổi đất mía. Ông Nguyễn Hữu Lộc - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Phú cho biết, trước đây toàn ấp chỉ trồng cây mía, do giá mía không ổn định, lại bị thương lái ép giá, tiền thuê nhân công thu hoạch khá cao, nên người trồng không có lãi, có khi thua lỗ. Từ khi chuyển đổi sang các loại cây trồng mới, ông và nhiều nông dân nơi đây đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân xây dựng các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác và phát triển sản xuất bền vững cho nông hộ.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ, sở dĩ chuyển đổi cây trồng đúng hướng và thành công là nhờ bên cạnh việc định hướng, lựa chọn cây trồng phù hợp, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, địa phương còn tạo điều kiện cho các hộ có được nguồn vốn đầu tư. Đây là minh chứng cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng của Tân Mỹ thời gian qua.

 Những năm tiếp theo, địa phương tiếp tục phát triển, nhân rộng những loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, từng bước xây dựng vùng trái cây đặc sản; đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp chế biến để tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Như vậy, sau gần 20 năm gắn bó với người nông dân Tân Mỹ, cây mía đã được thay thế bởi các loại cây trồng khác có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn. Điều này cho thấy tính đúng đắn và sự linh hoạt của các cấp, ngành ở địa phương và người dân trong thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên và xu hướng thị trường.

Bài, ảnh: Nguyễn Trung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN