Chuyển giao công nghệ và liên kết tiêu thụ nông sản

31/08/2018 - 07:54

BDK - Thời gian qua, tỉnh Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực đạt hiệu quả cao. Trong đó, việc chuyển giao khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản đã giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho nông dân.

Ứng dụng công nghệ trồng dưa lưới trong nhà lưới đạt hiệu quả cao.

Ứng dụng công nghệ trồng dưa lưới trong nhà lưới đạt hiệu quả cao.

Từ sản xuất nông sản

Năm 2013, Khu du lịch Phú An Khang (TP. Bến Tre) được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. Hồ Chí Minh chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới trong nhà lưới. Khi đó, lãnh đạo khu du lịch đã cử 3 nông dân lên TP. Hồ Chí Minh học tập, được các kỹ sư chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới. Sau đó, Khu du lịch Phú An Khang đã đầu tư trồng 250m2 dưa lưới trong nhà lưới đạt hiệu quả cao. Đến nay, diện tích đã tăng lên 5.000m2, đều được trồng trong nhà lưới theo công nghệ thủy canh. Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phú An Khang tại tỉnh Nguyễn Ngọc Sương cho biết: “Trung bình mỗi năm, vườn dưa lưới thu hoạch khoảng 50 tấn, phục vụ tại khu du lịch và cung ứng trong hệ thống siêu thị”. Hiện tại, khu tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ thủy canh, tưới nhỏ giọt để trồng dưa lưới, dưa leo, sung Mỹ, cà chua thân gỗ Hà Lan, rau... nhằm phục vụ khách du lịch có thể vừa tham quan, vừa thưởng thức nông sản sạch.

Trong thời gian qua, Sở KH&CN tỉnh đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa Sở KH&CN tỉnh với Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ tiềm lực và phối hợp triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, khai thác tối đa các nguồn lực phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển chung của hai bên. Đến nay, đã phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất rượu linh chi từ rượu truyền thống, chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới trong nhà lưới, công nghệ trồng hoa chuông bằng phương pháp tưới nhỏ giọt, công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ mụn dừa, công nghệ sản xuất túi lọc linh chi...

Đồng thời, Sở KH&CN tỉnh còn trực tiếp làm việc với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ cao (thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh) nhằm phát triển nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, khai thác tối đa nguồn lực phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển. Qua đó, đã phổ biến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh 34 quy trình kỹ thuật tiến bộ khoa học, công nghệ do Trung tâm Nghiên cứu công nghệ cao làm chủ quy trình; giới thiệu 22 loại hình dịch vụ đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh đã chuyển giao, huấn luyện về kỹ thuật chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học tại xã Bình Thành (huyện Giồng Trôm); triển khai Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng một số giải pháp xử lý chất thải và giảm mùi hôi trong chăn nuôi heo tại tỉnh.

Trồng rau hữu cơ có ký hợp đồng tiêu thụ tại Bến Tre.

Trồng rau hữu cơ có ký hợp đồng tiêu thụ tại Bến Tre.

Đến liên kết tiêu thụ

Năm 2015, Dự án Nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức phi lợi nhuận Seed to Table (Nhật Bản) tài trợ cho nông dân tỉnh với mô hình trồng rau hữu cơ. Khi đó, nông dân được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị để sản xuất rau hữu cơ và ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Mai Văn Tiến, ngụ ấp An Phú 2 (xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri) tham gia dự án với diện tích 500m2 của gia đình. Ông Tiến cho biết: “Khi tham gia dự án được cán bộ nông nghiệp xuống tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân để sản xuất rau đạt tiêu chuẩn rau hữu cơ. Sau đó, công ty từ TP. Hồ Chí Minh xuống ký hợp đồng với giá cả ổn định giúp nông dân an tâm sản xuất”. Trung bình một tuần, vườn rau của gia đình ông Tiến sẽ thu hoạch 2 lần với sản lượng từ 30 - 40kg rồi sơ chế, đưa đi tiêu thụ. Chủng loại rau được trồng rất đa dạng từ rau ăn lá, củ, quả... theo nhu cầu của doanh nghiệp (DN).

Bà Hồ Thị Hồng, ngụ ấp An Phú 2 (xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri), tham gia dự án cho biết: “Quy trình sản xuất được tập huấn kỹ, tất cả đều được bón phân hữu cơ và không sử dụng thuốc trừ sâu để đảm bảo đạt tiêu chuẩn rau hữu cơ. Sản phẩm làm ra cung ứng cho công ty trên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Nông dân không còn sợ cảnh “được mùa, mất giá” như trước nên rất an tâm sản xuất. Khi gửi hàng khoảng một tuần thì DN sẽ chuyển khoản ngay vào tài khoản của nông dân nên rất tiện lợi”. Hiện tại, trong ấp có 5 hộ dân tham gia dự án với diện tích 3.000m2 và được chứng nhận “Nhóm rau hữu cơ An Phú” với quy trình nghiêm ngặt.

Đến nay, toàn huyện Ba Tri có khoảng 2.400ha đất trồng rau. Thời gian gần đây, một số nông dân tham gia dự án trồng rau hữu cơ có ký hợp đồng tiêu thụ với DN đạt hiệu quả khá cao. Sắp tới, địa phương sẽ phát triển diện tích rau hữu cơ tại các xã An Bình Tây, Vĩnh Hòa, Mỹ Chánh và Thị trấn... Ngoài sản xuất rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nông dân trong tỉnh còn sản xuất rau sạch, đảm bảo chất lượng để cung cấp cho DN. Sau khi kết thúc dự án, các hộ dân tại xã An Hòa Tây vẫn tiếp tục theo đuổi việc sản xuất rau an toàn và ký hợp đồng tiêu thụ với DN. Hiện tại, 16 hộ dân với diện tích 12.000m2 đất trồng rau đều được một DN ở TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Chánh Bình - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Tháng 7-2015, tỉnh được Tổ chức Seed to Table hỗ trợ thực hiện dự án rau hữu cơ. Hiện tại, các mô hình sản xuất đều có ký hợp đồng tiêu thụ với DN ở TP. Hồ Chí Minh theo chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh. Nông dân làm ra sản phẩm với giá ổn định từ 18 - 20 ngàn đồng/kg nên rất an tâm sản xuất. Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình nhằm tăng thu nhập cho người nông dân”.

“Trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tỉnh rất nhiều trong các hoạt động KH&CN, triển khai thực hiện các đề tài, dự án. Sở KH&CN đã xây dựng kế hoạch hợp tác triển khai nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với các đơn vị của TP. Hồ Chí Minh các nội dung gồm: triển khai các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chuyển giao công nghệ; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quản lý, ngăn chặn xâm phạm tài sản trí tuệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN; chia sẻ, phổ biến thông tin KH&CN”.

(Ông Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở KH&CN)

Bài, ảnh: Hoàng Mai

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích