Đắng lòng vụ mía

18/11/2018 - 13:45

Vụ mía 2018-2019 đã tới ngày thu hoạch nhưng chú Trần Văn Hải, ngụ ấp Thạnh Quí B, xã Bình Thạnh cũng như nhiều hộ nông dân đang trồng mía vẫn đang mỏi mắt chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Thạch Thảo

Vụ mía 2018-2019 đã tới ngày thu hoạch nhưng chú Trần Văn Hải, ngụ ấp Thạnh Quí B, xã Bình Thạnh cũng như nhiều hộ nông dân đang trồng mía vẫn đang mỏi mắt chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Thạch Thảo

Đã mấy tuần qua, cả nông dân và lãnh đạo xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú sốt ruột vì mía tới ngày thu hoạch mà không thấy thương lái đến hỏi mua.

Chú Trần Văn Hải, ngụ ấp Thạnh Quí B, xã Bình Thạnh cho biết: “Tôi thuê 4 công đất trồng mía. Mọi năm thời điểm này đã có thương lái đến mua, nhưng năm nay lại không thấy. Nếu không bán được mía thì gia đình sẽ rất khó khăn. Vì vừa phải trả tiền thuê đất, tiền phân, chưa kể công của 4-5 người trong gia đình gần cả năm lao động”.

Được biết, vụ mía năm 2018-2019, toàn xã Bình Thạnh có hơn 205ha đất trồng mía (giảm khoảng 70ha so với vụ mía năm trước), với gần 550 hộ tham gia trồng. Diện tích mía được trồng trong vùng ngọt hóa khép kín của xã Bình Thạnh.

Phó chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Nguyễn Phúc Duy cho hay: “Mọi năm, nông dân trong xã vẫn bán mía cho thương lái. Thương lái bán cho Công ty cổ phần mía đường Bến Tre. Hiện chúng tôi đã liên hệ với Công ty cổ phần mía đường Bến Tre đến mua mía cho nông dân nhưng họ trả lời (nhà máy) chưa có kế hoạch chạy và có thể không thu thua mua mía”.

Trao đổi vấn đề này với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 300ha đất trồng mía, tập trung ở các vùng: xã Bình Thạnh (huyện Thạnh Phú), xã Phú Long (huyện Bình Đại), xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm), khu vực Vàm Hồ (huyện Ba Tri). Theo định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp tại Bến Tre, đến năm 2020 Bến Tre sẽ giảm hết không còn đất trồng mía.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN