Đê bao phát huy hiệu quả trong mùa hạn, mặn

13/05/2018 - 22:01

BDK - Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong những năm qua, huyện Mỏ Cày Bắc đã đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ven các sông, rạch trên địa bàn huyện.

Đến nay, huyện đã xây dựng được 16 tuyến đê bao với tổng chiều dài gần 39km, ở 10 xã: Thanh Tân, Thạnh Ngãi, Tân Thành Bình, Tân Phú Tây, Phú Mỹ, Thành An, Phước Mỹ Trung, Hưng Khánh Trung A, Tân Thanh Tây và Nhuận Phú Tân (còn lại 3 xã chưa có đê bao là Hòa Lộc, Tân Bình và Khánh Thạnh Tân). Trong đó, tuyến dài nhất là đê bao ven sông Cái Cấm (từ ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình đến ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ), tổng chiều dài trên 20km. Tuyến ngắn nhất là đê bao Phú Thuận 2, xã Phú Mỹ, dài 684m và đê bao ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, dài trên 1.000m. Trung bình các tuyến còn lại dài từ 2 - 3km.

Các tuyến đê bao của huyện đều được khởi công xây dựng và hoàn thành từ năm 2009 - 2015. Chỉ có một số tuyến đê bao xây dựng hoàn thành năm 2016-2017. Hầu hết đê bao mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần giúp cho bà con nông dân chủ động kiểm soát nguồn nước, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng giống, cây trồng, vườn cây ăn trái, giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ngoài khả năng chủ động phòng chống và ứng phó với lũ lụt, triều cường và nước biển dâng, đê bao còn là công trình thủy lợi nội đồng đa dạng, điều tiết nguồn nước tưới tiêu, là cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, giúp lưu thông vận chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu dân sinh và tạo vẻ mỹ quan trong xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới.

Trong đợt triều cường cuối năm 2017 đầu năm 2018 (nước dâng cao gấp nhiều lần so với nhiều năm trước), nhờ hệ thống đê bao mà nhiều vùng không bị ngập úng, giảm thiệt hại cho nông dân. Ông Huỳnh Văn Trương - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Bình cho biết: “Nếu không có hệ thống đê bao ven sông Cái Cấm thì toàn bộ diện tích vườn cây ăn trái (chủ yếu là bưởi da xanh) của ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình bị ngập nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng thu hoạch và có thể làm cho cây bị hư, bị chết, thối rễ…”.  

Theo anh Nguyễn Văn Quân - Trưởng ấp Phú Xuân, xã Hưng Khánh Trung A (ấp nằm trong hệ thống đê bao Thanh Điền - Phú Xuân - Hưng Nhơn, xây dựng và hoàn thành năm 2009, người dân chuyên trồng cây ăn trái): “Từ khi có đê bao, nông dân chủ động được nguồn nước tưới tiêu, thời vụ canh tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, làm cho vườn cây xanh tốt, phát triển nhanh, cho năng suất, sản lượng cao. So với trước khi có đê bao thì năng suất vườn cây đạt gần gấp đôi”.

Nguyễn Sơn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN