Gắn nuôi trồng với đánh bắt, chế biến thủy sản

05/11/2018 - 07:25

Kinh tế Bình Đại chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó, nuôi và đánh bắt thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn. Nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nuôi, đánh bắt gắn với chế biến thủy sản, huyện quan tâm công tác xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch nuôi thủy sản phù hợp với từng vùng.

Nghề đánh bắt trên biển, nuôi thủy sản được huyện đầu tư về vốn, khoa học kỹ thuật, bước đầu hình thành các vùng sản xuất thủy sản tập trung, tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Nuôi tôm từ hình thức thâm canh, bán thâm canh, năng suất bình quân 5 - 6 tấn/ha, từng bước chuyển sang hình thức nuôi công nghệ cao (2 giai đoạn) với năng suất đạt bình quân 50 - 60 tấn/ha, góp phần quan trọng phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Huyện đã phối hợp điều tra nguồn tài nguyên khoáng sản, trữ lượng nguồn lợi trên biển và ven biển, các dự báo về biến động môi trường, dòng chảy, bãi bồi, cồn nổi... để làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế biển huyện theo hướng ổn định, bền vững. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng tỉnh xây dựng các mô hình nuôi tôm an toàn để phổ biến nhân rộng, nhất là nuôi tôm công nghệ cao. Quản lý tốt quy hoạch nuôi thủy sản, nhất là tiềm năng đất đai, mặt nước ở các vùng mặn, lợ, ngọt, cân đối giữa các ngành nghề, loại hình nuôi. Tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống thủy sản để chủ động về con giống, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu trên địa bàn huyện, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tận dụng ưu thế vùng để phát triển các loài thủy sản có giá trị xuất khẩu.

Huyện đẩy mạnh việc nuôi thủy sản với việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao ở những vùng đủ điều kiện. Phát triển vùng nuôi thủy sản theo quy hoạch đảm bảo tính bền vững; đẩy mạnh công tác giám sát, xử lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức quản lý cộng đồng; đa dạng hóa các đối tượng nuôi, tận dụng ưu thế từng vùng phát triển nuôi các loài thủy sản hiệu quả, thân thiện với môi trường; tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển ở các xã Tam Hiệp, Thạnh Trị, cồn Thới Trung, Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận...

Những năm qua, diện tích nuôi thủy sản của huyện khoảng 18.000ha, trong đó nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh khoảng 4.500ha, tổng sản lượng nuôi thủy sản đạt khoảng 62.000 tấn; nuôi nhuyễn thể 3.028,6ha. Hoàn thành xây dựng chuỗi sản xuất thủy sản đạt được kết quả bước đầu với sản phẩm sản xuất tôm biển (Định Trung và Thạnh Phước), 6 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm ở lĩnh vực đánh bắt hải sản xa bờ ở Bình Thắng, thu mua tôm nuôi theo hướng sinh học tại Hợp tác xã thủy sản sinh thái Thạnh Phước, thành lập Hợp tác xã thủy sản xã Định Trung.

Huyện tạo điều kiện khuyến khích mời gọi đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung vào lĩnh vực chế biến thủy sản theo hướng xuất khẩu, phát huy ngành nghề truyền thống. Đã xây dựng làng nghề chế biến cá khô truyền thống, sản lượng hàng năm trên 8.500 tấn/năm và làng nghề đánh bắt thủy sản ở xã Bình Thắng.

Để phát triển mạnh ngành nuôi, đánh bắt gắn với chế biến thủy sản, huyện tăng cường quản lý tốt vụ nuôi thủy sản, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ cao, nhất là phổ biến, nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Ổn định diện tích nuôi thủy sản 18.000ha, trong đó nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh khoảng 5.000ha. Nâng chất hoạt động các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ, đội đánh bắt xa bờ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và ngư dân. Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển như: hoàn chỉnh tuyến đê biển, đê sông Tiền, đường nội bộ khu neo đậu tránh trú bão. Đầu tư trang thiết bị nâng cao năng lực, hiệu quả cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn hoạt động của ngư dân và nhân dân vùng biển, ven biển và các dự án sản xuất, khai thác tài nguyên biển. Xây dựng đề án, đề tài khoa học phục vụ cho lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản như: bảo tồn nguồn nghêu giống bố mẹ ở cửa sông lớn, sản xuất giống, đánh giá tác động môi trường, áp dụng quy trình nuôi sạch thương phẩm các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: nghêu, cua biển, tôm biển, hàu, các loài cá phù hợp tự nhiên từng vùng; hỗ trợ đổi mới và trang bị các công nghệ hiện đại trong khai thác và chế biến thủy sản để nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại sản phẩm chế biến.

Đánh bắt thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng khai thác xa bờ. Huyện có tổng đoàn tàu trực tiếp khai thác trên biển 1.141 tàu/598.723CV. Hoạt động của Cảng cá Bình Đại ổn định, được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân và giải quyết việc làm cho người lao động; sản lượng khai thác ước đạt 71.100/80.000 tấn, đạt 88,9% kế hoạch năm, tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Công Lý

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN