Khởi nghiệp thành công từ nguồn vốn vay ngân hàng

16/04/2018 - 07:06

BDK - Thời gian qua, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp hàng trăm thanh niên có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, trong đó có anh Nguyễn Quốc Thái, ngụ xã An Hiệp, huyện Châu thành đã thành công với mô hình trồng hoa lan cắt cành.

Anh Nguyễn Quốc Thái (đứng giữa) giới thiệu mô hình trồng lan của mình.  Ảnh: CTV

Anh Nguyễn Quốc Thái (đứng giữa) giới thiệu mô hình trồng lan của mình.  Ảnh: CTV

Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đầu năm 2017, anh Nguyễn Quốc Thái đã vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng 1.500 chậu lan Dendro Sonia. Vốn yêu thích hoa kiểng, nhất là các loài hoa lan nên anh Thái rất quyết tâm và luôn tìm tòi, học hỏi các kiến thức, kỹ thuật về trồng hoa lan. Sau 1 năm miệt mài chăm sóc, đến nay, các chậu lan của anh đã cho thu hoạch.

Hỏi về kỹ thuật để có được những chậu hoa lan đẹp, đủ bông, anh Thái chia sẻ: Nghề trồng hoa lan đòi hỏi sự kiên trì, theo dõi từng ngày để nắm các biểu hiện của từng loại cây. Để cây cho hoa đẹp thì người trồng phải hiểu được đặc tính của loài lan là ưa ánh nắng vừa phải, thoáng nên trước khi trồng cần phải thiết kế vườn đảm bảo các điều kiện trên. Theo đó, vườn lan của anh được xây dựng bằng giàn cách đất khoảng 1m, trên được bố trí lưới che mát, loại lưới có độ che nắng 50%. Bên cạnh đó, khâu chăm sóc là rất quan trọng, ngày tưới 1 lần cho cây, nhưng tưới vừa phải, tránh nước tưới bị nhiễm phèn sẽ sinh ra rong rêu, làm cây kém phát triển. Đặc biệt, trước khi “ép” lan ra hoa phải nuôi dưỡng cây cho khỏe bằng cách bón phân đầy đủ và hợp lý theo chỉ dẫn.

Được biết, mỗi nhánh hoa lan được anh Thái bán cho các tiệm hoa trên địa bàn tỉnh có giá từ 2.000 - 3.000 đồng/nhánh, tùy nhánh ít hoặc nhiều hoa. Riêng dịp Tết năm 2018 vừa qua, anh bán từ 45 - 55 ngàn đồng/chậu lan đang ra hoa. Chia sẻ về điều này, anh Thái cho biết: “Từ Tết đến nay, tôi bán ra thị trường trên 400 chậu lan, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 10 triệu đồng. Dự tính trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng lan, nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình và bản thân”.

Có thể thấy, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH cho thanh niên lập thân lập nghiệp đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, cung cấp nhiều sản phẩm hàng hóa tốt cho thị trường. Mô hình trồng hoa lan của anh Thái là một điển hình. Dự tính trong 2 năm sẽ thu hồi vốn và bắt đầu có lợi nhuận. Đây là một trong những mô hình lập nghiệp rất đáng được đoàn viên, thanh niên học hỏi và làm theo.

Cẩm Nhung

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Khởi nghiệp

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích