Nhân rộng mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

09/09/2020 - 07:03

BDK - Giai đoạn 2016 - 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương xây dựng 43 mô hình phát triển sản xuất, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh. Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt danh sách 17 mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Nuôi bò vỗ béo kết hợp trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Nuôi bò vỗ béo kết hợp trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Các mô hình hiệu quả

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Thời gian qua, sở đã triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể nhân rộng trong thời gian tới. Các mô hình này ứng ứng dụng công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt (sản xuất hữu cơ, GAP, an toàn); thích ứng BĐKH như: mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình chăn nuôi thích ứng… Tổng kinh phí thực hiện các mô hình trong thời gian qua gần 10 tỷ đồng.

Việc nhân rộng các mô hình tuy còn nhiều bất cập nhưng đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn với xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, các mô hình được chú trọng xây dựng dựa trên mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Một số doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao như Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới, Công ty cổ phần XNK Bến Tre (Betrimex), Công ty cổ phần chế biến Dừa Á Châu, Công ty cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (BEINCO)…

Trước thách thức của BĐKH đã và đang diễn ra, việc hỗ trợ đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới phải đặc biệt chú trọng với mục tiêu phù hợp và thích ứng với BĐKH. 

Theo danh mục của UBND tỉnh đã phê duyệt trong năm 2020, toàn tỉnh có 17 mô hình sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với kinh phí dự kiến gần 6 tỷ đồng. Trong lĩnh vực thủy sản có các mô hình như: tôm càng xanh toàn đực, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm quảng canh kết hợp canh tác lúa hữu cơ, nuôi lươn, ếch. Chăn nuôi gia súc gia cầm có heo an toàn sinh học, nuôi bò vỗ béo chất lượng cao, dê sinh sản kết hợp trồng cỏ, nuôi gà thả vườn. Trồng trọt có canh tác dừa hữu cơ, cây ăn trái đặc sản, sản xuất cây giống, các giống cây trồng có lợi thế địa phương… Đặc biệt, tại các huyện ven biển có thể nhân rộng mô hình trồng xoài tứ quý, xoài cát Hòa Lộc theo hướng hữu cơ trên đất giồng cát.

Liên kết phát triển sản xuất

“Mô hình phát triển sản xuất không thể đứng riêng lẻ ở góc độ nông nghiệp mà phải có sự kết hợp các hoạt động đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, du lịch. Người dân phải chủ động, quan tâm sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hữu cơ, gắn kết đơn vị tiêu thụ trong và ngoài nước; gắn với ứng phó BĐKH. Bài học kinh nghiệm trong thời gian qua là việc sản xuất không thể phát triển tự phát, manh mún, thiếu tập trung. Muốn bền vững, các ngành, các cấp cần nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã (HTX), trang trại sản xuất có quy mô lớn, tập trung”, ông Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.

Ngoài thành lập mới HTX, các ngành có liên quan có giải pháp hỗ trợ  HTX áp dụng các quy trình sản xuất có chứng nhận để tạo ra sản phẩm theo tiêu chuẩn mà thị trường đang cần. Đồng thời, hướng dẫn các tổ hợp tác, HTX áp dụng, khai thác hiệu quả các kết quả về nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, bò Ba Tri…

Phát triển sản xuất là một trong những nội dung cần đầu tư hỗ trợ hàng năm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất theo hình thức chuỗi giá trị. Đầu tư mô hình phát triển sản xuất thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm giúp nâng cao năng suất và chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện bộ mặt nông thôn.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích