Những mô hình giảm nghèo hiệu quả

21/11/2018 - 07:26

Xuất khẩu lao động được cho là giải pháp giảm nghèo hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên điều kiện đi xuất khẩu lao động không phải gia đình nào cũng đáp ứng được. Mới đây, ông Huỳnh quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ ra một số mô hình nông nghiệp theo ông là khá hiệu quả giúp bà con giảm nghèo. Theo ông, người nghèo, đất ít nên thực hiện nông nghiệp đa tầng (vườn, ao, chuồng), làm được nhiều sản phẩm, tận dụng tốt những tiềm năng sẵn có, ít tốn chi phí để kiếm thêm thu nhập.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa của anh Lê Hoàng Dũng, xã Mỹ An (Thạnh Phú).

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa của anh Lê Hoàng Dũng, xã Mỹ An (Thạnh Phú).

Nuôi tôm càng xanh toàn đực

Anh Lê Hoàng Dũng, ấp An Hòa B, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú là một trong 3 hộ đang ương tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa. Sau khi ương trong ao được 3 tháng, anh Dũng bẻ càng tôm rồi thả ra ruộng lúa. 2 tháng sau, anh bẻ càng tôm một lần nữa. 1.000m2 đất đang trồng lúa anh thả khoảng 3.800 con post.

Kỹ thuật nuôi và làm thức ăn tự chế phục vụ nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa ở xã Mỹ An do Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở lớp tập huấn hướng dẫn bà con. Con giống anh Dũng mua với giá 470 ngàn đồng/thiên. Máy xay thức ăn anh tự trang bị lấy. Với địa hình thổ nhưỡng 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt, anh Lê Hoàng Dũng phải cân vụ trong thời gian 7 tháng nuôi tôm càng xanh, nếu độ mặn cao thì tôm càng xanh không sống nổi.

Hộ nghèo tham gia mô hình này nên phối hợp nhau thành tổ để dùng chung một chiếc máy xay thức ăn, tiết kiệm chi phí đầu tư. Người nuôi cần quan tâm đến công tác quản lý cá tạp nhằm tránh hao hụt tôm trong quá trình nuôi. Người nuôi cần liên kết với nhau trong việc ký hợp đồng với thương lái cung cấp nguyên liệu chế biến thức ăn (cá tạp, cám...) để có nguồn cung cấp ổn định và giá rẻ.

Ông Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết, lợi nhuận của mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực rất cao, khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha ruộng lúa. Năm 2018, xã Mỹ An có 81 hộ thoát nghèo, trong đó có 15 hộ là nhờ nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa.

Nuôi gà nòi lai tàu

Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa lai tạo ra giống gà nòi lai tàu với đặc tính như: tỷ lệ nở trên 85%, tỷ lệ sống của gà con đạt trên 95%, mau lớn. Giống gà nòi lai tàu mở ra một triển vọng mới cho người chăn nuôi.

Mô hình gà nòi lai tàu ở xã Tân Trung.

Mô hình gà nòi lai tàu ở xã Tân Trung.

Theo anh Ngô Văn Dũng, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam (một trong những hộ được Dự án AMD hỗ trợ con giống, thức ăn, máy ấp trứng) sản xuất giống gà nòi lai tàu. So sánh với gà nòi truyền thống thì gà nòi lai tàu đẻ sai, tới 12, 15 trứng mới ngưng để ấp. Gà ít mổ, cắn nhau, cai ấp mau, khả năng đẻ lại nhanh hơn. “Giống gà nòi lai tàu có thể đẻ 180 - 200 trứng trong 1 năm, trong khi gà nòi chỉ đẻ khoảng 120 trứng. Trọng lượng của gà nòi lai tàu nặng từ 1,7 - 1,8kg. Thời gian nuôi ngắn hơn gà nòi” - anh Dũng cho biết thêm.

Hộ anh Ngô Quang Tiệp, ấp Tân Lễ 1, xã Tân Trung, Mỏ Cày Nam đang nuôi 700 con gà nòi lai tàu F2. Đàn gà lớn nhanh làm anh hứng thú. Anh Tiệp mua con giống giá 18.000 đồng/con. Khi được 30 ngày tuổi, gà mái nặng 350 gram, gà trống nặng 450 gram. Với tốc độ phát triển của đàn gà, anh Tiệp cho rằng, chỉ khoảng 3 tháng có thể xuất bán, tiết kiệm chi phí thức ăn.

Theo anh Tiệp, chỉ cần vài trăm mét vuông đất thì người nghèo có thể nuôi được gà nòi lai tàu. Chuồng trại thì không tốn mấy nhưng mỗi hộ phải nuôi ít nhất 100 con và liên kết nhiều hộ cùng nuôi để chia nhau sử dụng hết liều thuốc thú y. Hiện anh đang tiêm đến 4 loại vắc-xin cho gà. Mỗi loại vắc-xin được bán với liều cho 1.000 con. Cái lợi nữa của liên kết nuôi nhiều hộ là cùng nhau bắt gà để tiêm, chia sẻ kỹ thuật nuôi sẽ dễ dàng hơn 1 hộ làm. Mỗi khi có ai thắc mắc về kỹ thuật nuôi, anh Tiệp vào trang web của Trung tâm Khuyến nông tỉnh để đọc tài liệu hoặc gửi câu hỏi trực tuyến. Giá trứng gà nòi lai tàu dao động từ 5.000 - 9.000 đồng tùy thời điểm.

Trồng bưởi da xanh xen dừa

Chỉ với 5, 6 cây bưởi trồng xen trên diện tích 500m2 đất, sau 3 năm, người trồng có thể kiếm 2,5 triệu đồng/năm. 10 năm có thể thu về khoảng 30 triệu đồng. Đó là nhận định của anh Huỳnh Anh Phúc, ấp An Thạnh A, xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre. Người nghèo phải đi làm thuê để kiếm sống hàng ngày, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 30 phút buổi sáng hoặc tối để tưới cây, rải phân cho 5, 6 cây bưởi thì dễ dàng.

Bưởi da xanh xen dừa của hộ anh Huỳnh Anh Phúc.

Bưởi da xanh xen dừa của hộ anh Huỳnh Anh Phúc.

Anh Phúc cho biết, chủ yếu là chọn giống, phải chọn được giống tốt, giống lấy từ cây bưởi tơ, trồng thưa thì tạo tán lớn cho trái nhiều và ăn bền. Người trồng bưởi nên sử dụng phân hữu cơ như: phân gà, trùn quế, phân cút để đất màu mỡ, sử dụng phân vô cơ đất sẽ thoái hóa. Mỗi năm bơm bùn, bồi bùn chung quanh mô. Về sâu bệnh thì chỉ sợ sâu trái, bà con bao trái hoặc để bóng đèn thì hạn chế được sâu bệnh, không cần xịt thuốc trừ sâu. Sau 3 năm chỉ để cây mang khoảng 10 trái, cho trái tầng dưới, mỗi cuốn chỉ để 1 trái, để trái nhiều quá sẽ chết cây.

Khi trồng xem trong vườn dừa thì lưu ý phải tỉa thưa dừa, bởi bưởi chính dừa phụ. Hộ nghèo mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 30 phút để chăm sóc 5, 6 cây bưởi, sau 3 năm cũng có đồng vô đồng ra xoay xở thêm trong gia đình.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN