Phát triển kinh tế biển theo hướng chuỗi giá trị

17/10/2018 - 07:05

BDK - Xác định đúng tiềm năng, thế mạnh của 3 huyện biển là kinh tế biển, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư đúng mức, từ hạ tầng cơ sở, chính sách thu hút đầu tư đến việc xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy. Bên cạnh kinh tế vườn, kinh tế biển đã thể hiện vị trí chủ lực đối với phát triển kinh tế của tỉnh và đang tạo nên những bước chuyển mới đáng ghi nhận.

Thu hoạch tôm.

Thu hoạch tôm.

Hình thành và phát triển chuỗi tôm

So với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, con tôm là thế mạnh và đặc thù của 3 huyện biển, với diện tích nuôi chiếm trên 90% so với toàn tỉnh. Giá trị sản xuất chiếm chủ yếu. Những năm qua, tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản 3 huyện ven biển ổn định khoảng 38 ngàn héc-ta, tổng sản lượng đạt 61 ngàn tấn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Ba Tri cho biết, diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện rất lớn. Hiện người nuôi tôm đã thành lập hợp tác xã (HTX) Vĩnh An. Bước đầu, HTX giải quyết được “đầu vào” cho sản xuất, kỹ thuật… Giá tôm trong HTX duy trì ổn định cao hơn bên ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động HTX còn ở giai đoạn khởi đầu.

Tương tự tại Thạnh Phú, diện tích nuôi tôm chiếm trên 18 ngàn héc-ta. Chuỗi tôm cũng đã hình thành thông qua việc thành lập HTX nông nghiệp Mỹ An và bước đầu quan tâm đến liên kết doanh nghiệp (DN) để giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của con tôm, huyện Bình Đại cũng đã thành lập HTX Định Trung và thành lập Hội quán nuôi tôm hai giai đoạn. Nuôi tôm công nghệ hai giai đoạn được xem là bước phát triển mới theo hướng công nghệ, mang lại năng suất và chất lượng cao. UBND tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo các huyện biển đẩy mạnh nhân rộng mô hình này tại 3 huyện biển, với mục tiêu tạo ra sự đột phá tăng trưởng nông nghiệp. Nếu vào cuối năm 2017, huyện Bình Đại mới khởi động mô hình nuôi tôm công nghệ hai giai đoạn với vài hộ nuôi thử nghiệm thì đến nay, toàn huyện đã phát triển khoảng 200ha, năng suất cao hơn 5 - 7 lần so với nuôi tôm truyền thống nhưng đồng thời tiết kiệm diện tích nuôi.

“Trong cơ cấu 4 chuỗi, huyện xác định chuỗi tôm là chính nên đang tập trung đầu tư phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Phát huy lợi thế của huyện, nhất là vành đai để nuôi tôm công nghệ hai giai đoạn, mật độ cao, tự động. Mô hình này thu hút trên 40 DN về huyện để nuôi và liên kết để thu mua sau thu hoạch. Về cơ bản, nuôi tôm huyện Bình Đại đang phát triển theo hướng sinh học” - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Lê Văn Răng khẳng định.

Chủ động khai thác lợi thế tiềm năng

Mặc dù đều có lợi thế phát triển với đa dạng nguồn lợi về khai thác và nuôi trồng thủy sản như cá, tôm, cua, nghêu, sò… Tuy nhiên, nếu xét về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng với 43 - 60%. Bên cạnh con tôm, con bò, mỗi huyện đã chọn cho mình những sản phẩm đặc thù riêng. Ba Tri hình thành chuỗi nghêu, tôm, cá khô, rau hữu cơ. Huyện Bình Đại còn có chuỗi nhãn, dừa, bưởi da xanh. Thạnh Phú có gia cầm, dừa, xoài và cây lúa (mô hình lúa - tôm).

Mô hình nuôi tôm biển 2 giai đoạn ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Mô hình nuôi tôm biển 2 giai đoạn ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. 

Bên cạnh dừa và bưởi da xanh đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý Bến Tre, một số sản phẩm chuỗi quan trọng đã được các huyện xây dựng nhãn hiệu, như lúa sạch Thạnh Phú, bò Ba Tri. Đối với các nhãn hiệu tập thể xoài tứ quý Thạnh Phú, nhãn Long Hòa, tỉnh cũng đã hoàn thành thủ tục đăng ký.

So với hai huyện còn lại, cây lúa vẫn chiếm vai trò quan trọng ở huyện Ba Tri. Cùng với con bò đã có thương hiệu “Bò Ba Tri” thì sản phẩm bò sữa cũng đang tạo ra giá trị mới cho huyện, với năng suất và chất lượng sữa được đánh giá khá cao so với bò sữa trong nước. Đây được xem là mô hình làm giàu của người dân huyện Ba Tri và đang được tiếp tục nhân rộng toàn huyện.

Hầu hết mỗi huyện đều xác định thế mạnh của các vùng trong huyện. Điển hình như Bình Đại, tiểu vùng 1, tiểu vùng 2 và một phần tiểu vùng 3 là 2 chuỗi nhãn, dừa; tiểu vùng 3, 4 là tôm và bò (Phú Long). Thạnh Phú xác định tiểu vùng 3 và 4 là con tôm, cây lúa và xoài; các tiểu vùng phía trên là dừa, bò và gia cầm.

Tỉnh có chiều dài bờ biển 65km. Đến nay, các huyện biển đều được đầu tư xây dựng cảng cá, khả năng đáp ứng cho 150 lượt tàu cá/ngày. Riêng cảng cá huyện Bình Đại đang được nâng cấp mở rộng lên cảng cá loại 1 với công suất 40 ngàn tấn/năm. Hoạt động của các cảng cá vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện ven biển vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương thực hiện quyết liệt hơn công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt hải sản; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Việc hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản sẽ giúp các huyện khai thác, phát huy tốt các thế mạnh, tiềm năng để phát triển kinh tế biển của mỗi địa phương. Để nâng cao hiệu quả các chuỗi trong thời gian tới, chính quyền địa phương đẩy mạnh hỗ trợ các HTX kết nối với nhiều DN cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh thu hút đầu tư các DN chế biến trên địa bàn giúp tiêu thụ sản phẩm, phát triển ổn định vùng nguyên liệu. Đồng thời, việc phát triển tốt các chuỗi giá trị sẽ giúp các huyện thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo chuyển biến lớn và phát triển toàn diện trong thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN