Tập trung nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất cây giống

27/01/2019 - 06:26

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, huyện Chợ Lách đã xây dựng chuỗi giá trị bưởi da xanh, chôm chôm, hoa kiểng; đồng thời, triển khai Kế hoạch số 30/KH-UBND của UBND huyện nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất cây giống trên địa bàn huyện.

Thu mua, vận chuyển cây giống từ các nhà vườn. Ảnh: T. Đồng

Thu mua, vận chuyển cây giống từ các nhà vườn. Ảnh: T. Đồng

Chuỗi giá trị sản xuất cây giống được phân tích với 4 giai đoạn chính là: sản xuất cây nguyên liệu; ghép, chiết; chăm sóc đến thành phẩm (kỹ thuật) và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Huyện chú trọng phân tích từng yếu tố trong chuỗi giá trị để bổ sung, nâng cấp những giai đoạn nào còn yếu.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Cây giống Chợ Lách được sản xuất chủ yếu bằng phương pháp nhân giống vô tính như gieo hạt, chiết cành hoặc ghép nhằm đảm bảo được các đặc tính của cây mẹ, thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch sớm, có năng suất và chất lượng. Cây giống Chợ Lách đã xây dựng được tên tuổi và uy tín nhất định trên thị trường, cung ứng cho nhiều vùng trong và ngoài nước. Sau đợt hạn mặn năm 2016, do nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh nên diện tích và sản lượng cây giống của huyện tăng mạnh. Năm 2018, diện tích cây giống trên toàn huyện là 1.250ha, tập trung tại các xã: Vĩnh Thành, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung B, Long Thới, sản lượng đạt trên 22 triệu cây, trong đó xuất bán đạt trên 80%.

Huyện tổ chức tuyên truyền về nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất cây giống theo Kế hoạch số 30 của UBND huyện, cùng những quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004 và Nghị định số 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật bằng nhiều hình thức. Chủ yếu như tuyên truyền trực quan bằng pano, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, tập huấn, giới thiệu, hướng dẫn xây dựng chuỗi giá trị cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã, hội viên các đoàn thể đến người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Qua đó, vận động, giúp nông dân thay đổi nhận thức, chủ động tổ chức lại sản xuất, có sự liên kết với thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đảm bảo chất lượng cây giống

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát triển chuỗi giá trị cây giống cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ phát triển giống mới chất lượng đến cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để giảm giá thành. Quan trọng nhất là chất lượng cây giống phải luôn được giữ vững, đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, cần xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, gắn kết tốt với thị trường để có đầu ra ổn định.

Để đảm bảo chất lượng cây giống, thời gian qua, ngành chức năng huyện chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất cây giống từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng được ngành chức năng công nhận. Qua đó, nhiều nông dân Chợ Lách đã đăng ký bình tuyển cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng mắt ghép cung cấp cho các cơ sở sản xuất cây giống. Ông Dương Văn Lợi - chủ cơ sở sản xuất cây giống Sáu Lợi ở ấp Phụng Châu, xã Sơn Định cho biết: “Giấy chứng nhận vườn cây đầu dòng chính là căn cứ để đảm bảo về chất lượng cây giống của cơ sở sản xuất. Vườn cây đầu dòng “chôm chôm Tiến Cường” của ông Lợi có diện tích 4 công đất (4.000m2), trồng 50 gốc từ năm 2014, được công nhận vườn cây đầu dòng vào tháng 7-2017, số mắt ghép tối đa được khai thác năm 2019 sẽ đạt 1.500 bo/cây/năm. Ông Lợi sản xuất cây giống “chôm chôm Tiến Cường” từ chính vườn cây đầu dòng của mình.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền những quy định của Nhà nước về sản xuất cây giống đã đạt hiệu quả nhất định khi gắn với lợi ích trực tiếp của người nông dân. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Chánh ở ấp Sơn Long, xã Sơn Định đến cơ sở của ông Sáu Lợi tìm mua cây giống. Sau khi được dẫn đi xem vườn cây “chôm chôm Tiến Cường” đầu dòng, ông Chánh đã chọn mua được những cây giống ưng ý. Ông Chánh nói: “Biết cơ sở của ông Sáu Lợi sản xuất cây giống có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, được chứng nhận có vườn cây đầu dòng và tận mắt nhìn thấy vườn cây tôi hoàn toàn yên tâm khi chọn mua”.

Củng cố các mối liên kết

Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Anh Linh cho biết, để nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất cây giống, huyện tập trung hai lĩnh vực then chốt là tổ chức lại sản xuất bằng cách xây dựng các liên kết ngang với hình thức hoạt động hợp tác xã (HTX) và tổ chức các liên kết dọc thông qua hình thức xúc tiến thương mại, kết nối thị trường. Hiện huyện có 8 HTX sản xuất cây giống trong tổng số 10 HTX trên địa bàn. Các HTX hoạt động mang lại cho người nông dân nhiều lợi ích từ việc tổ chức sản xuất cây giống từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng một cách tập trung, có sự đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ cây giống. Bên cạnh đó, với pháp nhân của HTX sẽ có lợi thế khi tham gia đấu thầu các hợp đồng sản xuất lớn, tham gia vào thị trường thuận lợi hơn, quản lý chất lượng cây giống tốt hơn, có kế hoạch sản xuất tốt hơn.

Thời gian qua, đánh giá lại hoạt động của các HTX còn nhiều khó khăn, hạn chế, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho biết: “Chính sách hỗ trợ hoạt động HTX của tỉnh đã được triển khai, huyện cũng có tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, điều hành hoạt động nhưng vấn đề còn nằm ở năng lực của lãnh đạo các HTX, bản thân HTX chưa có sự phấn đấu nên tình hình hoạt động còn nhiều hạn chế”. Phương hướng tới, huyện tăng cường tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực ban lãnh đạo các HTX, hỗ trợ củng cố hoạt động của các HTX ổn định hơn.

Hỗ trợ người dân xây dựng vườn cây đầu dòng

Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Anh Linh cho biết: Dự báo trong thời gian tới có khả năng lượng cây giống sản xuất sẽ cung vượt cầu do các chương trình chuyển đổi cây giống phát triển vùng cây ăn trái của các tập đoàn kinh tế lớn đã kết thúc. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ trái cây cũng có nhiều biến động nên việc trồng mới hay chuyển đổi cũng được người dân tính toán lại. Trước tình hình đó, huyện chú trọng cải tiến nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động người dân để họ tự tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường gắn với xây dựng mô hình tổ hợp tác, HTX kiểu mới.

Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng vườn cây đầu dòng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật, biên soạn các quy trình sản xuất đối với từng cấp giống, hỗ trợ xây dựng và công bố tiêu chuẩn cây giống theo quy định. Đồng thời, sẽ tổ chức xác nhận các mô hình sản xuất cây giống đáp ứng đủ điều kiện theo Pháp lệnh Giống cây trồng.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích