Thạnh Trị chuyển đổi mô hình kinh tế vùng ngọt hóa

18/09/2019 - 08:04

BDK - Nằm ở cuối nguồn sông Ba Lai, vùng ngọt hóa của xã Thạnh Trị (Bình Đại) có diện tích hơn 1.000ha với 900 hộ dân thuộc địa bàn ấp Bình Phú và một phần ấp Bình Thạnh 3, đang thụ hưởng sự ưu đãi này. Chị Hà Thị Loan - ấp Bình Phú cho biết, nếu như không có cống đập Ba Lai ngăn mặn, đời sống của người dân nơi đây khá vất vả vì thiếu nước ngọt sinh hoạt và chăn nuôi.

Vườn bưởi da xanh hơn 3 năm tuổi đang cho trái của chị Nguyễn Thị Miếm.

Vườn bưởi da xanh hơn 3 năm tuổi đang cho trái của chị Nguyễn Thị Miếm.

Cần quyết tâm chuyển đổi

Trong cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, một cử tri xã Thạnh Trị cho rằng, ngọt hóa Ba Lai đã thật sự phát huy tác dụng, mang lại nhiều lợi ích cho người dân của ấp Bình Phú và Bình Thạnh 3. Tuy nhiên, tình hình nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa diễn ra phức tạp, đã có sự xung đột lợi ích trong dân giữa việc chuyển đổi sang nuôi trồng cây con thích hợp với ngọt hóa và việc đào ao nuôi tôm biển. Cử tri cho rằng, dòng sông Ba Lai có thật sự ngọt hóa không khi mà hiện nay có đến 90% người dân nơi đây vẫn tiếp tục đào ao nuôi tôm biển, dù rằng, nhiều mô hình chuyển đổi đang rất có hiệu quả.

Bà con nhớ chính xác từng ngày, từng tháng khi dòng sông Ba Lai được ngọt hóa và dẫn chứng rất cụ thể về lợi ích của ngọt hóa Ba Lai - khởi công vào tháng 7-2000, khánh thành ngày 30-4-2002, là một trong 9 công trình lớn trong dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre. 17 năm qua, phía bên kia bờ sông, người dân các xã Tân Mỹ (Ba Tri), Châu Bình (Giồng Trôm) đã phát huy “ngọt hóa” vùng đất hiệu quả với việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế rất bền vững. Thế nhưng, phía bên đây bờ sông, việc nuôi tôm biển của bà con nhiều xã của huyện Bình Đại dọc theo sông Ba Lai, trong đó có hai ấp Bình Phú và Bình Thạnh 3 của xã Thạnh Trị thì chậm chuyển đổi. Việc nuôi tôm biển và xả nguồn nước thải ra dòng sông này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ngọt hóa dòng sông - nguồn trữ nước ngọt cho người dân cả tỉnh.

Trả lời trước bà con cử tri xã Thạnh Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng khẳng định: Việc ngọt hóa Ba Lai là một chủ trương lớn, đúng đắn nhằm bảo vệ và trữ ngọt phục vụ nước sinh hoạt và tưới tiêu cho nhân dân tỉnh nhà trong điều kiện biến đổi khí hậu. Việc nghiêm cấm nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa là muốn bảo vệ nguồn nước ngọt của dòng sông này và tuyệt đối không có chuyện cho phép người dân nuôi tôm biển. Do công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, sự lơ là của cán bộ quản lý nên việc nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa vẫn còn xảy ra và diễn biến rất nghiêm trọng. Tỉnh và huyện sẽ siết chặt hơn nữa công tác quản lý này.

Nhiều mô hình hiệu quả

Chúng tôi đi dọc theo bờ sông Ba Lai từ hướng cống đập lên tận xã Phú Long, xen kẽ giữa những ao tôm cũ và mới, vẫn bắt gặp những vườn dừa trĩu quả, những vườn chanh, vườn bưởi da xanh, vườn mãng cầu xiêm và những thửa đất trồng hoa màu với dưa leo, khổ qua… xanh ngút ngàn.

Chỉ tay vào mảnh vườn với 30 gốc bưởi da xanh hơn 4 năm tuổi của nhà mình, chị Hà Thị Loan phấn khởi cho biết: 4 năm trước, chồng chị qua chơi với mấy người bạn bên Tân Mỹ (Ba Tri) và xin được 5 nhánh bưởi da xanh về trồng. Tưởng trồng thì nó sẽ chết vì không phù hợp với vùng đất này. Chồng chị bảo, phía bên kia, người ta trồng hàng mẫu đất. Mà thật, sau 1 - 2 năm, những nhánh bưởi đem về trồng cứ phát triển và xanh tốt. Năm sau, chị tiếp tục trồng thêm mấy chục gốc nữa, bây giờ vườn bưởi đã cho trái được 2 vụ rồi. Bản thân chị đến giờ chưa lý giải được, bởi vườn bưởi chẳng có phân bón gì nhiều mà cây vẫn cứ xanh tốt và cho trái ăn ngon lắm.

Ngay dưới chân cống đập, chị Nguyễn Thị Miếm - ấp Bình Thạnh 3, có gần 2,5ha vườn bưởi da xanh hơn 3 năm tuổi phát triển xanh tốt, bắt đầu cho trái. Chị Miếm cho biết, chị sang lại 2,5ha đất này với giá 13 cây vàng. Khi cống đập Ba Lai hoàn thành, hai vợ chồng chị mừng khấp khởi, xoắn tay cải tạo lại khu đất này để trồng bưởi. Hiện vườn bưởi đang có trái. Gọt thử một trái cho mọi người ăn, ai cũng khen ngon không thua gì bưởi da xanh của vùng trên.

Anh Nguyễn Văn Lụa, ấp Bình Phú, có hơn 3 công đất trồng hoa màu cho biết: Đến nay, tôi đã làm hơn 20 vụ hoa màu, cứ hết khổ qua thì đến dưa leo. Với 3 công đất, mỗi vụ tôi thu hoạch hơn 3 tấn (2,5 tháng/vụ). Sau khi trừ chi phí, tôi còn thực lãi từ 30 - 40 triệu đồng/vụ (chi phí phân bón từ 5 - 7 triệu đồng).

Chỉ vào hệ thống tưới tự động, phun sương vừa lắp đặt, anh Lụa cười tươi và bảo: Giờ chỉ bật cầu dao điện là xong. Đầu tư vốn cao thiệt nhưng rất khỏe, chỉ vụ khổ qua này là “nằm ngủ” cũng lấy lại vốn và có lời chút đỉnh rồi.

Như lời Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị, nuôi tôm biển rủi ro rất cao. Thấy lãi ròng vụ này chứ vụ sau coi chừng “sổ đỏ” vào ngân hàng không kịp. Mô hình không phải ít, nhưng bà con chậm chuyển đổi. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng nhiều mô hình hiệu quả hơn nữa để nhân rộng cho bà con nhân dân.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN