Thúc đẩy phát triển sản xuất từ chương trình hỗ trợ lãi suất

03/07/2020 - 07:02

BDK - Chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) là nội dung hỗ trợ kinh tế hợp tác làng nghề theo chủ trương của UBND tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình được thực hiện từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được phân bổ hàng năm, triển khai từ năm 2014 đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều hợp tác xã đã phát triển bền vững sau khi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất.

Nhiều hợp tác xã đã phát triển bền vững sau khi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất.

Kết quả thực hiện chương trình

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Võ Tiến Sĩ, sau hơn 6 năm thực hiện chương trình HTLS, kết quả thực hiện năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt từ năm 2017 có nhiều điểm mới như: Số tiền vay được HTLS tăng lên 100 triệu đồng/hộ/năm, định mức HTLS là 100% theo thực tế cho vay của ngân hàng, thời gian HTLS cũng tăng lên tối đa 24 tháng. Đây là kết quả của sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi của các sở, ban ngành tỉnh để hỗ trợ cho tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), các ngành nghề trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn của chương trình.

Chương trình HTLS đã tạo điều kiện cho các thành viên trong các THT, HTX tiếp cận nguồn vốn vay nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của hộ dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và phát triển kinh tế bền vững theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền và vận động người dân tham gia THT, HTX được quan tâm thực hiện đồng bộ trên địa bàn các huyện, thành phố. Nếu như giai đoạn trước năm 2014, trên địa bàn tỉnh chỉ có 450 THT được thành lập theo Nghị định số 151 thì đến giai đoạn 2015 - 2019 đã có 927 THT được thành lập mới với số lượng thành viên trên 16.800 người, tăng hơn 477 THT.

“Chương trình HTLS là điều kiện giúp nông dân mạnh dạn mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp. Hoạt động các THT giúp các hộ thành viên, người dân đoàn kết lại cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, góp phần tích cực vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao chất lượng hộ gia đình văn hóa, chung tay xây dựng xã NTM”, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Võ Tiến Sĩ nhận định.

Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Văn Chiến: Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện chương trình, hàng năm, các đơn vị phối hợp đều tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm việc làm được, chưa được. Qua đó, làm rõ thêm chủ trương, yêu cầu về nội dung và cách thức tiến hành để đảm bảo tính thống nhất. Thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát thực tế, lấy ý kiến đóng góp của THT, HTX và địa phương để thực hiện có hiệu quả chính sách trong thời gian tiếp theo.

Những mô hình, cách làm hay

THT nông nghiệp Phú Mỹ, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri là một trong những THT hoạt động khá hiệu quả với hai ngành nghề chủ yếu là trồng lúa và nuôi bò. Tổ phó Lê Văn Nhường cho biết: THT thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2012, sau khi tiếp nhận nguồn vốn vay từ chương trình HTLS, THT đã phát huy được hiệu quả đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân thông qua các mối liên kết từ các khâu dịch vụ sản xuất đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Nhờ thực hiện tốt khâu này, THT đã thu hút nhiều thành viên tham gia. Khi mới thành lập tổ có 42 thành viên đến nay đã có trên 70 thành viên.

Ngay khi mới thành lập, THT cũng phát sinh nhiều nhu cầu thiết yếu cần đến nguồn vốn. Loay hoay mãi đến năm 2014, THT tiếp cận được Chương trình HTLS, các thành viên đã đầu tư phát triển sản xuất. Đã có 25 hộ đầu tư các công cụ phục vụ sản xuất, 17 hộ đầu tư cải tạo giống, tăng đàn bò sinh sản và đàn bò thịt.

“Chương trình HTLS đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực cho THT và các thành viên, nông dân không phải gánh nặng việc trả lãi ngân hàng, từ đó mạnh dạn mở rộng sản xuất. Đây cũng là điều kiện thu hút nông dân tham gia THT ngày càng nhiều”, ông Lê Văn Nhường cho biết.

 “HND xã có họp với UBND cùng cấp rà soát, tìm hiểu nhu cầu vay vốn trong hộ dân là thành viên THT,  HTX, làng nghề. Khi đã có danh sách sẽ tổng hợp gửi về hội nông dân huyện. Sau đó, hội sẽ cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách chuyển về ngân hàng huyện. Trên cơ sở này ngân hàng sẽ cùng hội nông dân, UBND các xã tiến hành thẩm định nhu cầu vốn vay để người nông dân được vay vốn. Với cách làm này, hơn 6 năm qua, Thạnh Phú đã có trên 900 lượt nông dân tiếp cận, số vốn giải ngân trên 30 tỷ đồng”, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạnh Phú Trần Thị Hoàng cho biết.

Từ đây cho thấy, Chương trình HTLS đã giúp nhiều hộ nông dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Qua chương trình còn tạo điều kiện để các xã xây dựng NTM thực hiện thành công nhiều tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.

Đối tượng được chương trình hỗ trợ là thành viên không phân biệt hộ nghèo, cận nghèo tham gia các THT, HTX, làng nghề truyền thống thuộc các xã xây dựng NTM. Các THT trên địa bàn tỉnh được thành lập theo Nghị định số 151 của Chính phủ có thời gian thành lập và hoạt động tối thiểu là 1 năm. Đến năm 2017 mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ gồm: các HTX nông, lâm, ngư nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012; các làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Hơn 6 năm thực hiện, chương HTLS đã có trên 1.200 lượt THT, HTX, làng nghề được HTLS với số tiền trên 13,7 tỷ đồng.

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích