Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Ba Tri

22/08/2013 - 14:44
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Ba Tri báo cáo với đoàn về tình hình nuôi, khai thác thủy sản. Ảnh: T.Q

Ngày 22-8-2013, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Công thương và Sở Nông nghiệp  & Phát triển nông thôn làm việc với UBND huyện Ba Tri về tình hình nuôi, khai thác thủy sản năm 2013 và tình hình triển khai dự án cụm công nghiệp thị trấn Ba Tri - An Đức.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Tri, trong năm 2013 toàn huyện đã nhập về 800 triệu tôm giống có qua kiểm dịch, trong đó tôm sú 150 triệu con, thẻ chân trắng 650 triệu con. Có 1.034ha thả giống vụ 1 và 750ha thả giống vụ 2. Tổng thiệt hại do dịch bệnh là 480ha, chủ yếu nhiễm bệnh đốm trắng và hoại tử gan. Huyện đã tiếp nhận 22 tấn Chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia và UBND tỉnh hỗ trợ phát cho 289 hộ nuôi tôm thâm canh bị thiệt hại để xử lý mầm bệnh, với diện tích 98,7ha mặt nước. 1.750ha thả nuôi tôm quảng canh, tôm nuôi phát triển bình thường. 493ha nuôi tôm rừng. Hiện 3 Hợp tác xã nuôi nghêu sò đã thu hoạch, sản lượng khoảng 573 tấn, giá bán trung bình 27.000 đồng/kg. Trên địa bàn huyện phát sinh 98 hộ đào ao nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, với diện tích 18ha. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các xã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu hộ dân lấp giếng khoan lấy nước mặn và không được thả nuôi trái phép

Huyện có 1.619  tàu đánh bắt, trong đó có 1.202 tàu đánh bắt xa bờ. Trong .năm 2013, huyện đã phối hợp với Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản mở lớp thuyền máy trưởng tàu cá hạng 4 cho 100 ngư dân, lắp 65 máy thu vệ tinh hỗ trợ cho các tàu khai thác xa bờ. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đến tháng 8-2013 là 43.500 tấn, trong đó sản lượng nuôi 6.500 tấn, khai thác 37.000 tấn. Giá các loại thủy sản khai thác ổn định. Huyện đã thành lập 70 tổ, đội khai thác thủy sản, với 278 hộ tham gia, 491 tàu và 3.788 lao động.  CÁc tổ,đội này tham gia khai thác trên cơ sở cùng nghề, cùng ngư trường ...  Điểm mạnh của tổ, đội khai thác là thông tin cho nhau về ngư trường, giúp nhau khi tàu bị sự cố, hỗ trợ nhu yếu phẩm trong thời gian bám biển. Tuy nhiên, các tổ, đôi khai thác còn gặp khó khăn, khi xăng dầu tăng giá thì đồng loạt các chi phí đầu vào khác đều tăng, trong khí đó giả cả sản phẩm đánh bắt giá tăng chưa tương xứng, ảnh hưởng đến lợi nhuận. lao động tham gia làm việc cho các tàu thường xuyên biến động.

Trong năm 2013, tổng số hộ tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp là 234 hộ, với tổng số 429 ao, với số tiền phí bảo hiểm 4,441 tỷ đồng. Có 233 ao nuôi bị tổn thất, tương ứng 71ha, đã nhận tiền bồi thường là 3,947 tỷ đồng. Một số hồ sơ bị chế tài tiền bồi thường ở mức từ 5-30%, nguyên nhân do không khai báo hàng tháng, không cập nhật đầy đủ thông tin môi trường (pH, độ mặn, mật độ kiểm tra tôm nuôi thực tế còn ít).

Đối với Dự án cụm công nghiệp thị trấn Ba Tri - An Đức(có tổng diện tích 20ha), hiện có 2 dự án  đăng ký triển khai thực hiện gồm: Bãi vật liệu xây dựng, diện tích 3,1ha, xưởng dày da 2,4ha. Các hộ dân nằm trong Dự án đã đồng ý phương án bồi thường thiệt hại và đề nghị thu hồi hết phần diện tích 20ha. Huyện kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương tạm ứng khoảng 40 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Trần Anh Tuấn đề nghị UBND huyện Ba Tri phối hợp với các sở của tỉnh để có nguồn vốn nạo vét các kênh khu vực Dự án nuôi tôm an toàn dịch bệnh tại xã An Đức; Chỉ đạo ngành điện lực kéo điện phục vụ cho vùng Dự án này; tuyên truyền vận động hộ nuôi liên kết, quy trình nuôi phải đảm bảo để giảm thiệt hại rũi ro và bảo vệ môi trường. Tiếp tục khuyến khích người dân tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp cho con tôm nuôi. Ở những khu vực ngọt hóa đã khép kín kiên quyết không để hộ dân nuôi tôm biển. Huyện và các sở, ngành tỉnh vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển. Các tổ, đội  liên kết khai thác đánh bắt thủy sản bước đầu đem lại hiệu quả, địa phương cần quan tâm hỗ trợ hoàn thiện quy chế, quy định để đi vào hoạt động ổn định. Cảng cá Ba Tri đã quá tải. Từ nay đến năm 2020, tỉnh không có nguồn vốn để đầu tư xây dựng cảng mới cho huyện. Huyện quan tâm cải tạo, mở rộng, sắp xếp lại các dịch vụ hậu cần để kêu gọi thêm nhiều nhà cung cấp, hạn chế tình trạng cung ứng độc quyền, không có lợi cho ngư dân. Tỉnh đang xem xét có những  khoản hỗ trợ cho ngư dân theo thẩm quyền. UBND huyện sớm có văn bản xin đề nghị tạm ứng vốn giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp thị trấn Ba Tri - An Đức để tỉnh xem xét, để có mặt bằng kêu gọi nhà đầu tư.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN