Rau thủy canh có thể giúp người dân thoát nghèo

16/05/2016 - 13:57

Thạc sĩ Võ Hoài Chân (bên phải) giới thiệu quy trình trồng rau thủy canh, và ưu điểm của giàn rau hình chữ A.

Rau thủy canh là loại rau trồng không cần đất, sinh trưởng bằng chất dinh dưỡng trong ống nhựa PVC.

Hiện nay, một số chợ ở TP. Bến Tre đang xuất hiện một số loại rau như: rau muống, mồng tơi, cải bẹ xanh, xà lách… được trồng bằng phương pháp thủy canh. Đây được xem là rau sạch, bởi không sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng phân chuồng, không sử dụng đất các loại, kiểm soát được nguồn nước sử dụng. Số lượng rau này xuất hiện chưa nhiều, rau được sản xuất tại Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Thạc sĩ Võ Hoài Chân - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Chúng tôi đang trồng thử nghiệm rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu bằng ống nhựa PVC khá thành công. Để không bị dư lượng chất hóa học trên rau, chúng tôi cân đong, đo đếm rất chi li khi pha chế 10 loại hóa chất để tạo ra dung dịch dinh dưỡng không bị thừa Nitrat để trồng rau. Nitrat là chất hiện diện trong rau, nếu dư Nitrat thì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Chúng tôi tuyệt đối không sử dụng hóa chất có xuất xứ từ Trung Quốc. Rau thủy canh thường bị héo khá nhanh, vị nhạt. Chúng tôi khắc phục được hiện tượng này bằng cách bổ sung thêm các chất hữu cơ vào trong dung dịch dinh dưỡng. Nhờ đó, rau ngọt hơn, màu sắc đậm hơn, lâu bị héo. Những hóa chất được sử dụng như: Nitơ, Photpho, Kali, Canxi, Silic… Chất dinh dưỡng này rất khó pha chế, do đó chúng tôi pha chế sẵn để phục vụ cho bà con trồng rau thủy canh”.

Hiện nay, trung tâm đang sản xuất giàn trồng rau thủy canh hồi lưu  bằng ống nhựa PVC, gồm 12 ống, sắp theo hình chữ A. Sau khoảng 32 ngày (kể từ khi gieo hạt đến thu hoạch) cho ra khoảng 100kg rau. Nguyên liệu làm giàn rau thủy canh gồm: sắt, ống nhựa, tấm mút… Thời gian sử dụng khoảng 5 năm. “Do giàn rau hình chữ A nên diện tích tăng gấp 3 - 4 lần. Giàn chữ A với 12 ống (mỗi ống dài 4m), diện tích khung sắt của giàn chỉ chiếm khoảng 5m2. Nếu 1 công đất trồng rau thủy canh theo giàn chữ A thì diện tích tăng lên 3 - 4 công đất, có thể nhiều hơn nếu số lượng ống tăng, chiều cao của giàn tăng. Từ đó, hiệu quả kinh tế khá cao” - Thạc sĩ Võ Hoài Chân nhận xét.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh nhận xét: “Nếu chỉ 1 giàn rau thủy canh với 12 ống (300 lỗ để trồng rau), giá rau từ 10 - 12  ngàn đồng/kg thì mỗi tháng trừ chi phí còn lãi khoảng 1 triệu đồng. Với diện tích chỉ 5m2/giàn thì hộ nghèo có khoảng 1 công đất, trừ diện tích mà ở gần 100m2, còn lại trồng nhiều giàn rau thủy canh thì dễ thoát nghèo. Tuy nhiên, các ngành có liên quan sớm cùng nhau tìm đầu ra một cách bền vững cho rau thủy canh. Ví dụ như bếp ăn ở các đơn vị có đông người: công an, quân đội, khu công nghiệp… Đây là những đơn vị tiêu thụ đầu tiên có số lượng ổn định cho bà con trồng rau thủy canh. Các hộ nghèo trồng được thì những hộ khá giả chuyên trồng rau cũng dễ dàng áp dụng mô hình này. Khi mô hình được nhân rộng toàn tỉnh thì rau an toàn trở thành thực phẩm quen thuộc ở các nhà hàng, các quán ăn bình dân và trong mỗi gia đình. Qua đó, các hộ sản xuất rau cũng thay đổi được tư duy, nâng cao đạo đức của người sản xuất thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cho mọi người, mọi nhà. Có thể nói rau thủy canh là “cánh tay vịn” cho hộ nghèo”.

Ông Nguyễn Quốc Bảo còn cho hay: “Sắp tới, dự kiến trồng rau thủy canh thí điểm tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc cho 100 hộ nghèo và cận nghèo. Nếu thành công thì nhân rộng ra các xã, huyện còn lại”.

Nói về rau sạch hiện nay, ông Trần Văn Mướt - Giám đốc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Rau thủy canh trồng đúng theo quy định, không có dư lượng thuốc trừ sâu, không có dư lượng hóa chất thì đúng là rau sạch. Nếu quy trình trồng, chăm sóc được ngành Nông nghiệp chứng nhận, nên nhân rộng mô hình trồng rau thủy canh cho nhiều người trồng”.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN