Tân Thủy sôi động phong trào xây dựng nông thôn mới

23/10/2015 - 06:57

Trồng màu đem lại thu nhập cao ở Tân Thủy.

Tân Thủy (Ba Tri) đang trong giai đoạn nước rút để kịp hoàn thiện các tiêu chí còn lại để được công nhận xã nông thôn mới (NTM), dự kiến vào giữa tháng 11-2015. Các xóm ấp của xã đều làm việc rất khẩn trương, sôi động. Không chỉ có các công trình công cộng như cầu, đường, trường học, trạm y tế... khẩn trương hoàn thành mà từng hộ gia đình cũng tất bật dọn dẹp lại nhà cửa, chỉnh trang hàng rào, cây xanh, chuồng trại... để đón chờ ngày vui tới.

Những thuận lợi và khó khăn ban đầu

Tân Thủy ở cách trung tâm huyện 5km về hướng Đông, có diện tích tự nhiên 1.203ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.047ha. Xã có 2.504 hộ, 10.016 nhân khẩu, dân cư được phân chia đều trên 6 ấp. Thế mạnh kinh tế địa phương là sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa 232ha, rau màu 47ha, dừa 44ha, nuôi trồng thủy sản 17ha. Do biết khai thác thế mạnh nên bình quân thu nhập đầu người tăng theo từng năm.

Từ khi được tỉnh chọn là 1 trong 25 xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, xã xác định đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm rất nặng nề của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, phải có sự quyết tâm cao mới hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015. Từ điểm xuất phát là một xã văn hóa nên việc xây dựng xã NTM của xã có nhiều thuận lợi về hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, được đầu tư trong nhiều năm và đã phát huy hiệu quả.

Mặc dù cán bộ, đảng viên và nhân dân hầu hết đều đồng thuận cao nhưng từng lúc vẫn có một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, cho đây là việc Nhà nước phải thực hiện mà chưa thấy vai trò chủ thể của mình. Nguồn nhân lực cán bộ xã, ấp còn hạn chế nên việc vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM nhiều nơi đạt kết quả còn thấp. Các nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn vốn trong dân không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu. Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã từng lúc chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, thiếu quyết liệt.

Do vậy, để tạo sự đồng thuận cao, xã đã tập trung triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ đó người dân tích cực tham gia thể hiện qua các việc làm cụ thể như: hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động, xây dựng lộ giao thông nông thôn; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng cảnh quan môi trường.

Tập trung huy động các nguồn lực

Xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như: Hợp tác xã thủy sản Tân Thủy, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Bình Phước có tổng diện tích là 6ha với 60 hộ; mô hình nuôi bò sinh sản; 15 tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển, phong trào nông dân sản xuất giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất.

Toàn xã hiện có 635 hộ hoạt động kinh tế, tập trung vào các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 80 hộ; vận tải 70 hộ; kinh doanh, thương mại, dịch vụ 485 hộ, xã có 2 chợ: Tân Bình và Tân An. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho trên 3 ngàn lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập hộ gia đình, tiêu thụ hàng nông sản và ổn định kinh tế của địa phương.

Đến cuối năm 2014, 6/6 ấp đã tổ chức bình nghị hộ nghèo, hiện xã còn 172 hộ, chiếm 6,85% (so với năm 2011 là 471 hộ, chiếm 19,52%). Thu nhập của xã không ngừng tăng, năm 2011 là 20 triệu đồng đến năm 2015: 29,61 triệu đồng.

Huy động nguồn lực sau 4 năm xây dựng NTM là 135 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương, tỉnh chiếm 40,52%; vốn huyện chiếm 0,029%; vốn xã chiếm 19,28%; vốn doanh nghiệp chiếm 1,06%; vốn dân chiếm 39,11%. Đến nay, xã đã đạt 19 tiêu chí.

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Trung Anh, đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu đi đầu trong các phong trào, đặc biệt là các tiêu chí hộ gia đình, hiến đất hoa màu, vốn đối ứng, ngày công lao động, thực hiện các công trình.

Bài học kinh nghiệm

Bên cạnh kết quả đạt được, xã cũng còn một số khó khăn cần tiếp tục nỗ lực. Bởi xã có điểm xuất phát thấp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; tình trạng sản xuất còn tự phát, riêng lẻ nên việc thành lập các vùng sản xuất chuyên canh còn gặp khó khăn nhất định. Một số bộ phận nhỏ người dân còn trong chờ vào sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Việc xóa nhà tạm còn chưa thực hiện hoàn chỉnh trong khi các hộ này có kinh tế khá giả nhưng còn chờ đến tuổi mới xây nhà hoặc để vốn đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.

Kinh nghiệm của xã qua phong trào xây dựng NTM là có sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên như hiến đất, hiến hoa màu để xây dựng các công trình công cộng và thực hiện các tiêu chí hộ gia đình, từ đó làm cho phong trào sôi nổi, liên tục có hiệu quả. Công tác tuyên truyền về tư tưởng, nhận thức là hàng đầu, bởi tư tưởng có thông thì công việc mới trôi chảy. Đẩy mạnh công tác dân vận, dân vận tốt, dân đồng tình thì thực hiện nghị quyết mới thành công, bởi dân là chủ thể thực hiện và là người thụ hưởng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, trong đó nội lực của cộng đồng nhân dân là chính, Nhà nước đóng vai trò quản lý hỗ trợ.

Các công trình trước khi thực hiện đều bàn bạc và công khai minh bạch sau khi thực hiện xong.

Bài, ảnh: T.Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN