Để tiền gửi tiết kiệm được an toàn

07/03/2018 - 13:33

BDK - Gần đây, sự việc mất tiền gửi tiết kiệm, xảy ra tranh chấp giữa khách hàng với một ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh gây xôn xao dư luận, làm hoang mang người gửi tiền. Làm thế nào để người gửi tiền có thể tự bảo vệ mình mà tài sản vẫn an toàn, sinh lợi?

Khách hàng nên đến giao dịch tại ngân hàng để đảm bảo an toàn. Ảnh: Duy Minh

Khách hàng nên đến giao dịch tại ngân hàng để đảm bảo an toàn. Ảnh: Duy Minh

Chọn ngân hàng để gửi

Trước kia, người dân thường chuộng gửi tiền vào ngân hàng nào có lãi suất cao. Nhưng ngày nay, khi gửi tiền ngân hàng, điều ưu tiên hàng đầu khách hàng quan tâm là gửi tiền vào nơi nào an toàn, phục vụ tốt, dịch vụ đa dạng… rồi mới đến lãi suất. Theo đó, khách hàng nên chọn ngân hàng nào để khi cần là có thể rút tiền ra nhanh chóng cả gốc và lãi. Chọn những ngân hàng có uy tín, bề dày lịch sử và thương hiệu, có lịch sử quản lý an toàn, không có các vụ sai phạm về tiền gửi. Chọn những ngân hàng minh bạch, lành mạnh, luôn công khai thông tin về năng lực, tài chính và các thông tin có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nên trực tiếp đến ngân hàng giao dịch

Người gửi không nên giao dịch ở ngoài mà nên đến thẳng trụ sở ngân hàng để trực tiếp gửi tiền. Tức là cần đích thân đến ngân hàng nộp tiền, ký chứng từ nộp tiền. Thực hiện đầy đủ các bước như giao dịch viên ngân hàng nhận tiền, kiểm đếm, in sổ tiết kiệm, đưa sổ cho người có thẩm quyền ký, đóng dấu, rồi giao sổ tiết kiệm cho người gửi. Khi nộp tiền, khách hàng lưu ý ghi đầy đủ thông tin và thông số vào các chứng từ; chỉ nhận lại chứng từ, văn bản khi có chữ ký của giao dịch viên, kiểm soát viên/người phê duyệt và dấu xác nhận của ngân hàng. Hiện nay, các ngân hàng đều có trang bị hệ thống camera, việc đến trực tiếp ngân hàng giao dịch, được camera ghi hình cũng là một bằng chứng chứng minh việc có thực hiện giao dịch gửi tiền ở ngân hàng.

Nếu không đến trực tiếp ngân hàng sẽ dễ phát sinh rủi ro nếu gặp phải nhân viên gian lận, nhận tiền mà không giao sổ tiết kiệm hoặc giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc nhận tiền mà không nhập vào quỹ, không nhập thông tin vào hệ thống Core của ngân hàng…

Đối với khách hàng VIP, đây là nhóm khách hàng mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, nhưng lại thường xuyên bị các đối tượng có ý đồ lừa đảo nhắm tới. Khách hàng VIP thường được phục vụ mở sổ tiết kiệm tại nhà, nơi làm việc, quán cà phê... theo ý muốn của khách hàng. Trong trường hợp này, làm thế nào khách hàng VIP thoải mái, tiết kiệm thời gian mà vẫn an toàn?

Trước hết, các giao dịch xảy ra rủi ro vừa qua là do một phần lỗi ở khách hàng. Các khách hàng VIP luôn muốn giữ bí mật tài sản, ngại tiếp xúc nhiều người… nên chỉ muốn giao dịch với một người duy nhất. Đó chính là kẽ hở để kẻ gian lợi dụng. Lời khuyên đầu tiên là khách hàng VIP vẫn nên trực tiếp đến ngân hàng để giao dịch. Vì hiện nay, một số ngân hàng đã có bố trí các quầy giao dịch ưu tiên hoặc phòng VIP với những tiện ích phục vụ khách hàng một cách chu đáo và tận tình nhất, đảm bảo khách hàng ít tốn thời gian mà vẫn hưởng được các dịch vụ ưu đãi của ngân hàng.

Trường hợp khách hàng VIP vẫn muốn được phục vụ tận nơi thì lời khuyên thứ hai là khách hàng cần phải giao dịch với nhiều hơn 1 người để đảm bảo an toàn cho chính mình. Khi được phục vụ, khách hàng cần yêu cầu phải có mặt ít nhất 2 người trong dây chuyền khởi tạo sổ tiết kiệm, đó là 1 giao dịch viên và 1 kiểm soát viên/người trực tiếp phê duyệt. Cần có chứng từ chứng minh là ngân hàng đã nhận đầy đủ số tiền gửi tiết kiệm. Kết thúc giao dịch, khách hàng cần phải yêu cầu được giao sổ tiết kiệm bản gốc với những thông tin cá nhân và số tiền gửi, thời hạn gửi khớp đúng với nhu cầu gửi.

Kiểm tra kỹ thông tin và không nên ký khống chứng từ

Nhiều khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng thường ký một cách nhanh chóng các giấy tờ cán bộ ngân hàng đưa mà không đọc kỹ nội dung do quá dài. Một số khách hàng khác thì chủ quan, tin tưởng cán bộ ngân hàng mà ký sẵn các chứng từ chưa có nội dung (ký khống).

Để phòng ngừa rủi ro, nếu khách hàng không đọc hết được thì phải tập trung vào các thông tin: họ tên, số tiền ghi bao nhiêu, thời hạn gửi, lãi suất, con dấu hợp pháp của ngân hàng, các chữ ký liên quan, thường gồm chữ ký của giao dịch viên, kiểm soát viên hoặc chữ ký của người có thẩm quyền phê duyệt trên sổ tiết kiệm.

Trường hợp khách hàng bận rộn không thể đến ngân hàng thì nên ủy quyền giao dịch/rút tiền cho người mình tin tưởng, tránh trường hợp vì muốn tiện lợi mà ủy quyền luôn cho cán bộ ngân hàng. Đặc biệt, tránh việc ký sẵn vào chứng từ chưa có nội dung hoặc ký trước vào giấy trắng, ngay cả khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu. Dù nhân viên ngân hàng không có ý đồ xấu thì điều này cũng rất dễ bị kẻ gian lợi dụng nếu chứng từ trên bị thất lạc ra ngoài.

Thường xuyên kiểm soát, phòng ngừa rủi ro

Để quản lý tiền của mình trong ngân hàng rất dễ dàng, khách hàng có thể đăng ký sử dụng các ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking của ngân hàng, có thể theo dõi số dư tiền gửi của mình bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Thậm chí, đơn giản hơn, khách hàng chỉ cần sử dụng dịch vụ SMS. Mỗi lần có biến động tăng, giảm số dư tiền gửi đều có tin nhắn thông báo về điện thoại khách hàng; có tích hợp cả chức năng nhắc sổ tiết kiệm đến hạn. Khách hàng chỉ cần thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, sổ tiết kiệm qua các tiện ích trên và ngay lập tức liên hệ với ngân hàng khi phát hiện những bất thường. Ngoài ra, khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng gửi sao kê tài khoản để đối chiếu nếu vẫn chưa yên tâm về tiền gửi của mình.

Với trình độ công nghệ ngày càng cao, nhiều ngân hàng hiện nay đã cho phép gửi tiết kiệm online. Khách hàng không phải mất công đến trực tiếp ngân hàng để giao dịch mà có thể gửi tiết kiệm bất cứ khi nào mình muốn; vừa an toàn, vừa được hưởng lãi suất ưu việt hơn so với cách gửi tiết kiệm truyền thống.

Duy Minh

Duy Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích