Mở rộng, phát triển thị trường các sản phẩm dừa

22/11/2019 - 08:02

BDK - Dừa là một trong những nhóm ngành hàng chiến lược của tỉnh. Cùng với Chương trình phát triển ngành dừa, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (DN), những năm gần đây, sản phẩm ngành dừa không ngừng tăng lên về chủng loại, quy mô và chất lượng. Việc quảng bá và tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu đang từng bước khẳng định vai trò, vị thế của cây dừa đối với người dân Bến Tre, giúp cây dừa phát triển theo hướng bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi (thứ hai, trái sang) tham quan gian hàng dừa của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi (thứ hai, trái sang) tham quan gian hàng dừa của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong.

Hạn chế của sản phẩm

Sản lượng dừa trái toàn tỉnh hiện đã trên 600 - 800 triệu trái/năm. Trong đó, có khoảng 20 - 25% được xuất khẩu sang Trung Quốc; còn lại 75 - 80% cung cấp cho các DN sản xuất, chế biến xuất khẩu của tỉnh và bán ra ngoài tỉnh để tiêu thụ nội địa. Ngoài sản lượng dừa trái của tỉnh, Bến Tre còn được xem là chợ dừa, thu hút lượng dừa trái từ các tỉnh chở đến bán.

Theo Sở Công Thương, ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã có sự phát triển nhanh và phong phú về các mặt hàng, chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh có gần 2.000 DN, cơ sở chế biến dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động rất khác nhau, có khả năng chế biến hết sản lượng dừa của đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa năm 2018 đạt 4.000 tỷ đồng, chiếm 14,25% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt trên 242 triệu USD (chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).

Tuy nhiên, ngành dừa vẫn còn nhiều hạn chế. Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp/lon, bột sữa dừa, than hoạt tính, dầu dừa nguyên chất, mặt nạ dừa là các sản phẩm có giá trị cao, được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng chỉ mới bắt đầu thâm nhập vào các kênh bán lẻ.

Các sản phẩm cơm dừa nạo sấy, sữa dừa đóng hộp/lon, nước dừa đóng hộp/lon, bột sữa dừa, than hoạt tính bán tại thị trường trong nước rất ít do người tiêu dùng chưa quen với các sản phẩm này. Kẹo dừa chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhóm chế biến thô (gồm thạch dừa, chỉ xơ dừa, các sản phẩm từ chỉ, than thiêu kết) chưa có bao bì hoàn chỉnh, chưa được đăng ký nhãn hiệu, được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc bán thành phẩm.

Giải pháp chiến lược

Trước thách thức, khó khăn của thị trường trong và ngoài nước, Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình đã nêu giải pháp phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu với từng sản phẩm.

Theo đó, đối với thị trường nội địa cần tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm như kẹo dừa, thạch dừa, mặt nạ dừa, bánh kẹo từ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ.

“Đối với thị trường xuất khẩu, cần đẩy mạnh phát triển, tập trung vào các thị trường mục tiêu; duy trì và phát triển thị trường truyền thống; nghiên cứu tiếp cận, thâm nhập các thị trường tiềm năng và khai thác có hiệu quả các thị trường ngách” - ông Châu Văn Bình cho biết.

Theo đó, sản phẩm nước cốt dừa đóng lon, cơm dừa nạo sấy, dầu dừa tinh khiết mở rộng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Liên bang Nga, các nước Trung Đông - Bắc Phi. Hiện nay, các nước Mỹ, EU kiểm tra chất lượng sản phẩm rất gắt gao, riêng thị trường Liên bang Nga, Trung Đông, Bắc Phi rất dễ gặp rủi ro trong khâu thanh toán. Để mở rộng thị trường xuất khẩu, các DN cần xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng, hoàn chỉnh bao bì, nhãn hiệu đóng gói, xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng trực tiếp giao dịch với khách hàng nước ngoài.

Sản phẩm kẹo dừa cần giữ vững thị trường Trung Quốc, đồng thời tiếp thị mở rộng thêm thị trường Lào, Campuchia, các nước ASEAN, giới thiệu sản phẩm sang Mỹ, EU, Đông Bắc Á. Để vượt qua rào cản kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, các DN sản xuất kẹo dừa xuất khẩu phải xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng, trang bị hệ thống đóng gói tự động, cải tiến bao bì nhãn hiệu.

Đối với thạch dừa thô cần được đầu tư sản xuất ra các sản phẩm thành phẩm, như thức ăn chay, thức uống giải khát để tiếp thị sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật, Mỹ, EU, Trung Đông. Chỉ xơ dừa sản xuất ra các sản phẩm có giá trị cao như: nệm xơ dừa, bàn chải xơ dừa tráng cao su, chỉ xơ xoắn, dây thừng, thảm trải sàn... để tiếp thị sang thị trường Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, EU. Riêng than thiêu kết, các DN nghiên cứu nâng cao chất lượng để cung cấp cho các nhà máy sản xuất than hoạt tính của tỉnh và tiếp thị sang thị trường Nhật, Hàn Quốc.

Hàng thủ công mỹ nghệ trước mắt vẫn duy trì tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đồng thời tiến hành xây dựng đội ngũ thiết kế, nghiên cứu thiết kế nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường, có khả năng cung cấp với số lượng lớn. Định hướng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Hong Kong, Hàn Quốc, EU.

“Thời gian qua, Sở Công Thương có nhiều nỗ lực hỗ trợ các DN dừa thâm nhập thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, tổ chức kết nối và hỗ trợ DN đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống phân phối, chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua các kỳ kết nối và tham gia hội chợ, nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thiết lập được hệ thống đại lý tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Đông - Tây Nam Bộ. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, đến năm 2018, các sản phẩm từ dừa được xuất khẩu vào thị trường hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ”.

(Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình)

Bài, ảnh: C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN