Thí điểm mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn”

19/12/2018 - 08:49

BDK - Trước nhu cầu của việc sản xuất và tiêu dùng nông sản an toàn tại địa phương, cũng như việc cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu dùng nông sản sạch, nâng cao ý thức của người sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn, Sở Công Thương đã thực hiện thí điểm mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn” năm 2018 tại TP. Bến Tre và thị trấn Thạnh Phú.

“Cửa hàng nông sản an toàn” của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ. Ảnh: C. Trúc

“Cửa hàng nông sản an toàn” của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ. Ảnh: C. Trúc

Sản xuất và tiêu dùng nông sản sạch

Bến Tre là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, với nhiều loại rau, củ, quả, tập trung tại các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc. Trái cây tập trung chủ yếu tại huyện Chợ Lách và Châu Thành. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã phối hợp hỗ trợ một số cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn.

Tuy nhiên, số lượng cửa hàng nông sản an toàn chưa nhiều. Người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được đâu là nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn, đâu là nông sản bình thường. Người sản xuất chưa có nơi tiêu thụ nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Hàng sản xuất theo tiêu chuẩn vẫn bị nhầm lẫn và có giá bán như đối với sản phẩm bình thường. Trong khi nhu cầu ăn sạch, uống sạch để đảm bảo sức khỏe của người dân ngày càng nâng cao.

Trước thực trạng đó, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn” năm 2018, tại 2 điểm, gồm: hộ anh Huỳnh Tấn Phú (thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú) và cửa hàng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (số 280 đường 3/2, Phường 3, TP. Bến Tre).

Mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa nông sản an toàn, đặc biệt nông sản trong tỉnh đến tay người tiêu dùng và nâng cao sức mua sản phẩm an toàn. Việc phát triển cửa hàng cũng sẽ thu hút sự quan tâm, tham gia và nâng cao ý thức trong cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng nông sản sạch của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh.

Theo đó, các mô hình thí điểm sẽ đáp ứng các điều kiện như kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa phải là nông sản sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; có giá cả hợp lý; do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, phân phối và kinh doanh. Nguồn hàng cung ứng tại cửa hàng đều phải có nguồn gốc xuất xứ, truy xuất được nguồn gốc, hàng hóa phải có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng.

Các cửa hàng nông sản an toàn thể hiện nét văn minh thương mại. Cụ thể như: đảm bảo về số lượng và chất lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường; niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; phong cách phục vụ và trưng bày hàng hóa chuyên nghiệp. Các sản phẩm phải được phân loại và trưng bày một cách khoa học. Đây cũng là những cửa hàng có sự duy trì và phát triển bền vững lâu dài (ít nhất từ 5 năm trở lên) và thật sự có mong muốn cùng với ngành chức năng đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối sản phẩm nông sản an toàn cố định và bền vững, thúc đẩy đưa nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng.

Các mô hình thí điểm

Hộ anh Huỳnh Tấn Phú, thị trấn Thạnh Phú kinh doanh các mặt hàng nông sản tại địa phương như gạo sạch, rau quả sạch, hải sản, cá khô được sản xuất tại địa phương. Năm 2018, hộ anh Huỳnh Tấn Phú được Sở Công Thương hỗ trợ 1 bảng hiệu, 1 tủ kiếng, 1 tủ mát và kệ để thực hiện thí điểm mô hình.

Theo anh Phú, qua nắm bắt nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn của người dân trên địa bàn là rất cao. Mặt khác, tại huyện Thạnh Phú cũng chưa có cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch của người dân. Vì thế, việc đầu tư phát triển cửa hàng nông sản an toàn là rất triển vọng. Anh Phú cho hay, kế hoạch của anh để phát triển bền vững cửa hàng trong thời gian tới là lựa chọn các mặt hàng nông sản an toàn của người dân ở các xã Bình Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải; các loại tôm, cua, cá sạch sản xuất tại các xã vùng tôm - lúa. Riêng hộ anh Phú sẽ đầu tư vùng nguyên liệu trồng rau củ an toàn và thu mua thêm đa dạng các mặt hàng nông sản sạch tại Đà Lạt để góp phần đảm bảo nguồn hàng phục vụ thị trường.

Mô hình thí điểm thứ hai được Sở Công Thương thực hiện tại cửa hàng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Ngoài các dự án của trung tâm, cửa hàng còn trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm khởi nghiệp, các sản phẩm, hàng hóa đảm bảo sạch, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; có nguồn gốc xuất xứ, truy xuất được nguồn gốc; hàng hóa có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng; có giá cả hợp lý do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, phân phối và kinh doanh.

Thời gian qua, cửa hàng kinh doanh sản phẩm từ các dự án đề tài khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh như: nấm linh chi, rượu linh chi, trà thảo mộc, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, chế phẩm sinh học E.M môi trường, bộ xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình.

Tham gia chương trình thí điểm mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn” trên địa bàn tỉnh của Sở Công Thương, cửa hàng được hỗ trợ bảng hiệu, 1 tủ mát dùng để bảo quản. Đây cũng là dịp để trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, cửa hàng sẽ tăng cường thực hiện chuỗi hoạt động phát triển cửa hàng: liên kết các hợp tác xã sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, sản xuất nấm ăn trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Cửa hàng thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, làng nghề để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, phù hợp với chủ trương mỗi xã, phường một sản phẩm.

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại cửa hàng. Ảnh: C. Trúc

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại cửa hàng. Ảnh: C. Trúc

Ngoài ra, các cửa hàng được Sở Công Thương quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Được sự hỗ trợ thiết thực, các cửa hàng đã phấn khởi phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng và vận hành cửa hàng nông sản an toàn tại địa phương theo đúng kế hoạch. Mô hình được tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện trong tháng 12-2018.

Theo Sở Công Thương, phòng kinh tế, phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, thành phố phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ tiểu thương, doanh nghiệp về công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi cửa hàng nông sản an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương cho người dân biết, đến mua sắm.

Riêng đối với các hộ kinh doanh được nhận hỗ trợ phải đảm bảo thực hiện tốt các quyền lợi và nghĩa vụ như nhận các khoản hỗ trợ bằng vật chất từ Sở Công Thương và có vốn đối ứng bằng các thiết bị hiện có tại cửa hàng. Phối hợp với phòng kinh tế, phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, thành phố tổ chức xây dựng và vận hành cửa hàng nông sản an toàn tại địa phương theo kế hoạch. Cam kết hàng hóa kinh doanh phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa phải được niêm yết giá rõ ràng và bán đúng giá niêm yết. Đồng thời, phải cam kết duy trì việc kinh doanh nông sản an toàn tại cửa hàng trong thời gian dài.

Mỹ An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN