Xúc tiến thương mại sản phẩm dừa Bến Tre

14/12/2018 - 07:28

Nằm trong chuỗi các hoạt động Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020, năm 2018, Sở Công Thương đã thực hiện dự án “Hỗ trợ đầu tư cửa hàng bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh Bến Tre”. Hoạt động chính của dự án là hỗ trợ đầu tư phát triển Cửa hàng Đức Phát (quốc lộ 60, xã Tam Phước, huyện Châu Thành) trở thành cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh.

Đa dạng sản phẩm dừa tại cửa hàng Đức Phát.  Ảnh: C. Trúc

Đa dạng sản phẩm dừa tại cửa hàng Đức Phát.  Ảnh: C. Trúc

Quảng bá, phát triển thương mại

Theo Sở Công Thương, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) đã mở nhiều cửa hàng giới thiệu, kinh doanh sản phẩm đặc sản của tỉnh, trong đó chủ yếu là các sản phẩm từ dừa. Nổi bật trên tuyến đường quốc lộ 60, đoạn từ ngã tư Tân Thành đến cầu Rạch Miễu, có nhiều cửa hàng bán hàng đặc sản của Bến Tre được hình thành và phát triển. Riêng đoạn quốc lộ 60 đi qua xã Tam Phước hiện có 15 cở sở kinh doanh các sản phẩm từ dừa, trong đó có 9 cơ sở có mặt bằng chủ sở hữu và 6 cơ sở thuê mặt bằng để kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động. Có 5 cơ sở có quy mô lớn và hoạt động ổn định, có khả năng phát triển để tiếp đón các đoàn khách lớn.

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, để tăng cường quảng bá, phát triển thương mại các sản phẩm từ dừa một cách đầy đủ hơn, việc xây dựng một mô hình cửa hàng bán đầy đủ các sản phẩm từ dừa là rất cần thiết. Qua đó, giúp khách hàng tìm mua sản phẩm dễ dàng không chỉ góp phần tăng doanh thu, thu nhập cho hộ sản xuất, kinh doanh, mà còn giúp các DN thuận tiện hơn trong công tác quảng bá sản phẩm, thương hiệu và thể hiện được thiện chí của Bến Tre với khách hàng, nhất là đối với những khách hàng mua sản phẩm thô của Bến Tre về nghiên cứu chế tạo thành những sản phẩm có giá trị cao hơn, chất lượng hơn.

Khi Sở Công Thương đề xuất việc xây dựng dự án hỗ trợ đầu tư cửa hàng bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh, ông Nguyễn Hữu Đức, chủ cửa hàng đã rất đồng tình hưởng ứng và chấp nhận duy trì các mặt hàng tiêu thụ chậm để đưa thêm các mặt hàng từ dừa, các mặt hàng đặc sản của tỉnh vào bày bán tại cửa hàng; thống nhất phối hợp, đóng góp kinh phí để cùng đầu tư nâng cấp cửa hàng… Bởi theo ông, việc đầu tư thực hiện dự án này rất có triển vọng về kinh tế và bản thân ông cũng đã mong mỏi thực hiện từ lâu.

Được biết, cửa hàng Đức Phát hoạt động thương mại, bán lẻ vào năm 2014. Cửa hàng có khá nhiều các mặt hàng từ dừa, thuộc các nhóm từ gỗ, gáo, trái, cơm dừa, bánh, kẹo... Lượng khách đến mua sắm tại cửa hàng cũng đã ổn định, tập trung đông vào những ngày nghỉ, lễ, tết. Doanh thu năm 2017 đạt khoảng 1 tỷ đồng.

“Đặc sản Bến Tre chủ yếu được bán cho khách liên tỉnh, nên cửa hàng luôn chọn những mặt hàng tiêu biểu nhất để giới thiệu cho khách hàng. Thêm vào đó, uy tín, chất lượng sản phẩm phải luôn được đặt lên hàng đầu để không làm mất danh tiếng xứ dừa. Ngoài ra, cửa hàng cũng sẵn sàng hỗ trợ bán hàng cho các DN khởi nghiệp với các ngành nghề sản xuất sản phẩm từ dừa”, ông Đức cho biết thêm.

Tổng kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư cửa hàng bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh trên 200 triệu đồng, từ nguồn sự nghiệp kinh tế 2018 đã cấp cho Sở Công Thương. Ngoài ra, kinh phí nâng cấp bãi đậu xe; bổ sung hàng hóa trưng bày tại cửa hàng chủ cơ sở tự trang trải.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Dự án cũng đã hỗ trợ cửa hàng kết nối thị trường, kết nối người tiêu dùng với DN sản xuất sản phẩm dừa, hàng đặc sản của tỉnh. Bên cạnh đó, dự án này cũng tạo cho cửa hàng nguồn hàng hóa, sản phẩm phong phú, đa dạng, xây dựng mối liên kết theo hướng chuỗi giá trị, dựa trên hợp đồng hợp tác kinh tế giữa người sản xuất và người tiêu thụ…

Nếu như trước đây, các tủ, kệ tầng của cửa hàng có khả năng bày trí các sản phẩm hiện có nhưng cũng còn nhiều chỗ trống và cách bày trí sản phẩm còn trùng lắp, nhiều không gian trống… thì khi dự án được triển khai, đã trang bị thêm cho cửa hàng 2 tủ trưng bày sản phẩm đứng; 3 kệ tầng loại cao để trưng bày sản phẩm giáp tường, 1 bảng hiệu. Tổ chức lại phân khu trưng bày các sản phẩm theo nhóm hàng một cách khoa học, có thể phân ra thành các nhóm hàng chính như: nhóm hàng thực phẩm từ dừa; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; nhóm hàng mỹ phẩm từ dừa; nhóm hàng chế biến khác từ dừa; nhóm các đặc sản khác của Bến Tre… để khách hàng dễ dàng tìm mua hàng hóa mình cần.

 Dự án cũng thực hiện hỗ trợ tăng cường phương thức quản lý. Thực trạng trước khi triển khai dự án, cửa hàng Đức Phát thực hiện quản lý theo phương pháp thủ công: quan sát trực tiếp, thanh toán tùy theo món hàng có ghi giá nên khó kiểm soát khách hàng đã chọn những sản phẩm nào, những mặt hàng nào đã được thanh toán, dẫn đến khó kiểm soát doanh thu. Từ thực trạng này, dự án đã hỗ trợ cửa hàng lắp đặt 1 hệ thống camera an ninh quan sát và 1 máy tính tiền.

Ngoài các hoạt động hỗ trợ quảng bá tại chỗ qua các bảng hiệu, Sở Công Thương cũng hỗ trợ tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, cẩm nang cung cấp thông tin các sản phẩm dừa và đặc sản của tỉnh để giới thiệu tại các công ty du lịch, phát trực tiếp cho khách tại cửa hàng…

Hiện nay, khi dự án hoàn thành, cửa hàng Đức Phát được xem là một mô hình cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh khá đầy đủ. Hướng tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục giới thiệu với các đoàn khách, khách hàng đến tìm hiểu, tham quan, mua sắm sản phẩm đặc sản của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa của Bến Tre tại cửa hàng Đức Phát.

Mỹ An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN