Vững chãi các làng nghề truyền thống

17/11/2009 - 09:01
Sản xuất kẹo dừa xuất khẩu. Ảnh: H.H

Từ nhiều năm qua, trên khắp địa bàn Bến Tre, các làng nghề truyền thống và làng nghề mới luôn phát triển, tạo nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân xứ dừa. Trong cơ chế thị trường, có một số làng nghề bị mai một nhưng đa phần đều phát triển khá đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, nhất là xuất khẩu. Nhiều làng nghề mới cũng đã hình thành như nghề sản xuất chỉ xơ dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, góp phần tạo nên sắc thái mới cho làng nghề xứ dừa Bến Tre.

Trong quá trình hình thành và phát triển, nhiều làng nghề không những tồn tại mà còn mở rộng sang các làng bên cạnh, như nghề sản xuất cá khô ở làng cá Bình Thắng-Bình Đại; nghề ươm cây, chiết cành ở Chợ Lách; nghề sản xuất kẹo dừa ở Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc), thành phố Bến Tre. Do vậy, ngày nay, làng nghề không chỉ có nghề truyền thống mà có cả làng nghề mới. Hiện tại, Bến Tre có các làng nghề truyền thống khá nổi tiếng hàng trăm năm như nghề sản xuất rượu Phú Lễ ở Ba Tri; rượu Bình Phú ở thành phố Bến Tre; nghề sản xuất kẹo dừa ở phường 4, phường 5, phường 7-TPBT. Kẹo dừa Mỏ Cày được người dân sản xuất cách đây trên 70 năm. Ban đầu do bà Nguyễn Thị Ngọc ở Đa Phước Hội làm để biếu bạn bè. Thấy kẹo ngon, nhiều người tìm đến mua và học hỏi để làm nên ngày càng trở thành mặt hàng nổi tiếng, phát triển thành làng nghề. Vào thập niên 90, kẹo Mỏ Cày từng bước phát triển lớn mạnh và trở thành kẹo dừa mang thương hiệu Bến Tre. Nghề sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng ở xã Mỹ Thạnh-Giồng Trôm cũng ra đời cách đây trên trăm năm. Ban đầu cũng chỉ sản xuất tiêu dùng trong các ngày lễ, Tết, để biếu, dần dà trở thành nổi tiếng. Bánh phồng Sơn Đốc ở Hưng Nhượng-Giồng Trôm nổi tiếng nhờ khi nướng bánh nở gấp 3, 4 lần. Từ năm 1997 đến nay, bánh phồng Sơn Đốc trở thành sản phẩm không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu. Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ngày nay tuy có nhiều yếu tố khác xưa nhưng vẫn giữ được thương hiệu. Cùng với nghề làm bánh, nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo giống mới cũng ra đời cách nay trăm năm từ xã Vĩnh Thành, Chợ Lách. Hằng năm, nơi đây cung cấp khoảng trên 10 triệu cây giống các loại, nhiều nhất là sầu riêng, măng cụt, xoài, chôm chôm, bưởi, cam, quít. Song song với nghề chiết cây, các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới còn là nơi có nghề trồng hoa kiểng độc đáo… đã đưa hàng trăm nghìn cây xuất khẩu ra các nước như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông. Từ những loại cây đặc thù của địa phương, người dân bắt đầu du nhập giống mới, tạo thành làng nghề nổi tiếng như ngày nay. Riêng các làng nghề mới trong những năm gần đây cũng phát triển nhanh. Như nghề dệt chiếu ở Nhơn Thạnh (TPBT); An Hiệp, Tân Thạch (Châu Thành). Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và có nhiều thị trường trong, ngoài nước nên qui mô sản xuất của các làng nghề này ngày càng mở rộng. Chất lượng sản phẩm cũng ngày một nâng cao. Đặc biệt hơn là không những khai thác tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ mà còn góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn.
Ngoài ra, trong tỉnh còn nhiều làng nghề như  sản xuất gạch nung ở Phú Hưng (TPBT); nghề sản xuất nón lá ở Mỹ Hưng, sản xuất lu ở Hòa Lợi (Thạnh Phú); sản xuất than thiêu kết, chỉ xơ dừa ở Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Nam); nghề làm kềm kéo ở Mỹ Thạnh (Giồng Trôm).
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp, hiện nay các làng nghề có bước phát triển tương đối ổn định. Một số làng nghề mới tìm được đầu ra ổn định nên có bước phát triển nhanh như nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu dừa. Hiện toàn tỉnh có trên 27 làng nghề được đầu tư 60 tỷ đồng để sản xuất; đã giải quyết việc làm cho 17.000 lao động, chiếm 16% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Sản phẩm của làng nghề sản xuất ngày càng nhiều về số lượng, đa dạng chủng loại, mang đậm nét đặc trưng xứ dừa, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ. Phần lớn các làng nghề đều linh hoạt, nhạy bén, thích ứng được với cơ chế thị trường, đã góp phần rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

 
 

Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN