Lan tỏa nét văn hóa của Lễ hội Dừa

09/12/2019 - 06:55

BDK - Lễ hội Dừa (LHD) tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 đã khép lại nhưng nét đẹp văn hóa trong lễ hội vẫn được tiếp tục đi vào cuộc sống, góp phần làm đẹp thêm cho đời sống văn hóa cộng đồng.

Các chị em tham gia trổ tài nấu ăn tại Liên hoan ẩm thực từ nguyên liệu dừa.

Các chị em tham gia trổ tài nấu ăn tại Liên hoan ẩm thực từ nguyên liệu dừa.

Từ ngày hội áo bà ba

Một trong những hoạt động văn hóa được tổ chức quy mô và thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng tại LHD là Ngày hội Áo bà ba. Tại Lễ hội, đã có khoảng 2 ngàn người hưởng ứng tham dự. Ngày hội áo bà ba như ngọn gió xuân mang đến sự tươi mới, rộn ràng, tạo nên sức sống mạnh mẽ cho chiếc áo bà ba vốn đã đi qua bao năm tháng lịch sử với nhiều thế hệ, nay lại được tiếp tục tôn vinh, gìn giữ và nâng tầm giá trị trong đời sống mới.

Một số chị em tâm sự rằng, do trước giờ cũng ít khi mặc áo bà ba nên ban đầu thấy ngại nhưng sau khi may mặc tham dự ngày hội, đã bắt đầu tự tin hơn. Em Kim Pha - sinh viên năm 2, ngành May thời trang, Trường Cao đẳng Đồng Khởi chia sẻ: “Khi mặc lên thì em và nhiều bạn khác cảm thấy rất thích, vì trang phục áo bà ba làm em cảm thấy mình nữ tính, dịu dàng hơn và giúp em rèn luyện cho mình phong cách chững chạc hơn. Sau lễ hội, em vẫn tiếp tục sử dụng bộ trang phục này trong cuộc sống hàng ngày như đi mua sắm, đi chơi, hay tham gia trong các cuộc giao lưu ở trường, thậm chí là đi dự tiệc với bạn bè vẫn phù hợp và rất đẹp” - Pha bày tỏ. 

Là một nữ cựu tù chính trị, đã từng gắn bó và hiện vẫn đang gắn bó với những chiếc áo bà ba, cô Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó chủ tịch nước đã khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của chiếc áo bà ba. Cô nói: “Tôi rất vui vì Bến Tre đã tổ chức được Ngày hội áo bà ba rất hay và rất ý nghĩa. Bởi vì áo bà ba là truyền thống của phụ nữ Nam Bộ, giữ được cái cốt cách và cái hồn của người phụ nữ Việt Nam ở Nam Bộ. Hơn nữa, hình ảnh áo bà ba gắn với chiếc khăn rằn là biểu tượng của đội quân tóc dài duy nhất của nước ta, rất mềm mại nhưng cũng rất quyết chiến để đánh đuổi quân thù trong cuộc đấu tranh chính trị để giành thế chủ động, mà phụ nữ đã thể hiện vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh ấy. Thấy mấy chị em cùng mặc áo bà ba, khăn rằn, tôi lại nhớ đến dì Ba Định (Nữ tướng Nguyễn Thị Định), tôi nghĩ, nếu dì Ba còn sống, dì Ba cũng sẽ rất vui với hình ảnh này. Tôi nghĩ đây là sự tiếp nối hình ảnh và truyền thống của đội quân tóc dài ngày xưa, và tôi tin tưởng, tinh thần của đội quân tóc dài vẫn còn đầy đủ và tiếp nối trong lòng các chị em phụ nữ Việt Nam nói chung, đặc biệt là phụ nữ tỉnh Bến Tre”.

Chiếc áo bà ba không chỉ dừng lại trong LHD, trong Ngày hội áo bà ba mà hiện đã lan tỏa trong cuộc sống. Hình ảnh chiếc áo bà ba vốn đã thân quen, lại càng thêm gần gũi, hiện diện ở khắp nơi, không chỉ có các cô dì lớn tuổi hay chỉ có ở hệ thống hội phụ nữ mà cả ở những bạn trẻ, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức… trong nhịp sống hàng ngày.

Đến ẩm thực xứ dừa

Đây là một hoạt động đặc sắc, thu hút hàng trăm người tham dự và khách tham quan. Với 300 món ăn, nước uống được chế biến từ nguyên liệu dừa, kết hợp cùng các nguyên liệu khác đã cho thấy liên hoan được tổ chức khá quy mô, tạo nên sự phong phú và hấp dẫn. Quan trọng hơn, từ Liên hoan ẩm thực xứ Dừa, nhiều món ăn, nước uống từ dừa đã được giới thiệu rộng rãi đến du khách gần xa. Qua đó, nhiều người đã biết thêm các món ăn từ dừa, được học hỏi và “làm giàu thêm” vốn kiến thức, kinh nghiệm ẩm thực cho mình.

Chị Hồng Lê (Quận 1 - TP. Hồ Chí Minh) cho hay, chị được bạn quê ở Bến Tre giới thiệu về LHD, đặc biệt là hoạt động Liên hoan ẩm thực xứ Dừa nên chị đã về tham quan sự kiện này. Chị chia sẻ, chị rất bất ngờ với sự phong phú của các món ăn, thức uống từ dừa, chị không nghĩ rằng, từ nguyên liệu dừa, lại có thể chế biến ẩm thực được nhiều như thế. Trước đây, chị chỉ có nghe qua vài món quen thuộc như: tép rang dừa, thịt kho nước dừa, tôm luộc nước dừa… Nay, chị đã biết thêm các món như: bánh canh cua nước cốt dừa, cà ri gà nước cốt dừa, cơm dứa hương dừa… Hay các loại thức uống như: cà phê nước cốt dừa, chè Thái nước cốt dừa, chè bà ba nước cốt dừa… Rất ấn tượng và hấp dẫn.

“Trong đó, tôi học được cách nấu cháo tôm nước cốt dừa vì cũng khá đơn giản và tôi sẽ áp dụng để nấu về sau do gia đình tôi vẫn thường xuyên dùng món cháo. Tôi thấy các món ăn có hương vị dừa thì rất béo, thơm đậm đà, rất dễ ăn và hợp khẩu vị nhiều người. Đi xem lễ hội về, tôi đã học được thêm nhiều món ăn để nấu cho gia đình mình nên tôi cảm thấy rất vui” - chị Lê bộc bạch.

Đó là hai trong số nhiều hoạt động văn hóa tại Lễ hội Dừa đã tiếp tục được lan tỏa trong cộng đồng, tiếp nối câu chuyện văn hóa với những điều tốt đẹp của quê hương, của xứ Dừa Bến Tre được gìn giữ, mở rộng với nhiều nét đổi mới phù hợp trên nền tảng truyền thống được hình thành từ nhiều thế hệ trước.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN