Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoảnh với nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa

09/11/2018 - 07:49

Xưởng sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ dừa của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoảnh

Xưởng sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ dừa của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoảnh

Những năm gần đây, các nghệ nhân tỉnh đã tận dụng nguồn gỗ từ cây dừa để sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày trong gia đình, với đa dạng mẫu mã, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Ông Nguyễn Văn Hoảnh, Ấp 3, xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm là nghệ nhân có thâm niên gần 20 năm với nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa.

Ông Hoảnh cho biết, trước đây ông làm nghề thợ mộc, chuyên đóng tủ, bàn ghế, giường ngủ để cung cấp cho bà con ở địa phương. Khi tỉnh có chủ trương nâng cao giá trị cây dừa, khuyến khích người dân đầu tư sản xuất các sản phẩm từ dừa để phục vụ du lịch, thì ông hưởng ứng ngay.

Vốn là thợ mộc nên khi bắt tay vào thực hiện ông có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn lúc bấy giờ là nguồn vốn để đầu tư mua nguyên liệu và trang bị máy móc sản xuất, bởi gia đình ông là hộ nghèo. Nắm được hoàn cảnh đó, Hội Nông dân xã Sơn Phú đứng ra tín chấp để ông được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, ông bắt tay vào sản xuất, bước đầu chỉ là cơ sở nhỏ, nhân công là các thành viên trong gia đình, sản phẩm làm ra lúc này còn hạn chế về số lượng, chất lượng. Với tinh thần cầu thị, luôn chịu khó học hỏi, tìm tòi cái mới để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị thẩm mỹ của sản phẩm, từ đó giúp ông thành công và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Ông Hoảnh chia sẻ, dừa làm sản phẩm mỹ nghệ đòi hỏi phải có tuổi thọ cao, bởi gỗ càng lâu năm thì mới có vân đẹp và bền chắc. Gỗ dừa sử dụng tốt nhất phải có tuổi thọ ít nhất 60 năm và được lấy từ gốc trở lên khoảng 4m. Tùy theo sản phẩm đơn giản hay phức tạp mà các khâu thực hiện sẽ khác nhau. Hiện nay, mỗi  ngày, cơ sở của ông sản xuất ra các sản phẩm gồm: cống rượu, chén, cối, bộ bình ly, hủ tâm, đũa… Trung bình mỗi năm cơ sở cung ứng cho thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hàng chục triệu sản phẩm các loại.

Mới đây, ông Hoảnh đã mày mò, nghiên cứu chế tạo ra máy tuốt đũa, máy tiện… nhằm nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm. Cụ thể, với công đoạn khoét chén, cối, nếu làm thủ công mỗi ngày trung bình khoảng 40 cái, nhưng với máy tự chế, mỗi ngày thực hiện trên 200 cái. Với công đoạn tuốt đũa, máy tự chế mỗi ngày cho ra gần 4.000 đôi đũa.

Là hộ nghèo, khởi nghiệp từ đồng vốn vay khiêm tốn, sau gần 20 năm lăn lộn với nghề, ông Hoảnh đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Đến nay, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ của ông Hoảnh đã được đầu tư khá quy mô, với nhiều trang thiết bị và giải quyết việc làm cho trên 10 lao động địa phương với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hoảnh tâm niệm, sản phẩm làm ra phải đẹp, độc đáo, giá hợp lý, với mong muốn mang những đứa con tinh thần đến với nhiều nước trên thế giới, qua đó quảng bá hình ảnh của quê hương xứ Dừa đến bạn bè quốc tế.  

Bài, ảnh: N.Trung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích