Tăng cường tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

27/10/2009 - 13:55
Các trò chơi tập thể góp phần phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: K.T

Trẻ em bị xâm hại nhưng gia đình ngại tố cáo

Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em hiện đang diễn ra nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng trong phạm vi cả nước, tuy nhiên tội phạm này ở tỉnh ta được kéo giảm rõ rệt. Năm 2009, toàn tỉnh chỉ còn  6 vụ, so với những năm trước đó là vài chục vụ/năm. Trước đây, tình trạng này xảy ra chủ yếu ở những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp; nhưng hiện nay cũng có nhiều vụ XHTD trẻ em được phát hiện ở các địa bàn có điều kiện mức sống cao. Nạn nhân chủ yếu là các bé gái độ tuổi từ 12-16. XHTD trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển lành mạnh của trẻ. Các em dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể mất khả năng sinh sản. Các em thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, sống mặc cảm, không muốn giao tiếp với mọi người… Với cảm giác bị khinh rẻ, cô lập, nên các em thường cáu giận vô cớ, muốn tự tử, dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm.

Theo một số người có trách nhiệm, tội phạm XHTD trẻ em phát sinh chủ yếu là do người gây hại và bị hại có mối quan hệ quen biết, do nhận thức của trẻ em còn non nớt, trẻ em chưa hiểu cách tự  bảo vệ mình. Một số vụ, sau khi xảy ra, trẻ em không dám bày tỏ cùng người lớn, cha mẹ. Thậm chí có một số vụ gia đình trẻ em không biết hoặc không muốn tố cáo thủ phạm. Đa số vụ xảy ra là do cha mẹ trẻ em ít quan tâm để ý đến con mình. Những nạn nhân còn nhỏ, bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng về thể chất, tinh thần. Khi đưa ra xét xử, nạn nhân thường không dám xuất hiện vì sợ nhiều người biết, ảnh hưởng danh dự bản thân. Trong các nguyên nhân dẫn đến nạn XHTD trẻ em , có nguyên nhân vô cùng quan trọng là trẻ, cha mẹ, người chăm sóc, đỡ đầu trẻ thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng giải quyết về pháp lý, kỹ năng chăm sóc và phục hồi cho trẻ bị xâm hại tình dục về thể chất và tâm lý. Phần lớn các trường hợp tố cáo đều chậm hơn rất nhiều so với thời điểm trẻ bị xâm hại. Cũng còn lý do khác là gia đình trẻ không muốn làm ảnh hưởng tới tương lai của con mình. Đến khi tranh chấp cãi cọ qua lại không hiệu quả thì gia đình trẻ mới tìm tới luật pháp. Trong khi đó, chứng cứ là hết sức quan trọng và cần thiết để làm căn cứ giải quyết theo pháp luật thì gia đình không đưa ra được vì thời gian quá lâu.
Do khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế, nên các em dễ có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục, sức khỏe, nhân phẩm. Đa số vụ xảy ra là do các em bị kích thích tò mò. Những kẻ xấu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của trẻ em để tạo mối quan hệ gần gũi, thân mật, âu yếm… Phần khác, do ảnh hưởng của tâm lý người Á Đông là ưa kín đáo, mặc cảm, xấu hổ, không muốn nhiều người biết chuyện đời tư, nên nhiều vụ hiếp dâm trẻ em không bị phát hiện, vì nạn nhân không tố cáo hoặc người nhà nạn nhân không tố cáo (tội phạm ẩn). Nhiều bậc phụ huynh không dám tố cáo vì sợ vụ việc công khai, đời tư con gái mình bị xâm phạm, hạnh phúc tương lai có thể bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến hậu quả là nhiều kẻ phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế xét xử của ngành tòa án, tội phạm này được xem là tội phạm nghiêm trọng, cơ quan tòa án luôn xét xử đúng qui định của pháp luật nhằm trừng trị kẻ phạm tội, đồng thời có tác dụng phòng ngừa chung cho xã hội.
Chúng ta đã có một khung pháp luật chung về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khá toàn diện và tiến bộ. Khung pháp luật chung này đã bao gồm nhiều qui định có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ trẻ em không bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, khung pháp luật hiện hành về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chỉ tập trung vào việc xử lý tội phạm. Điều muốn nói ở đây là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về việc phòng ngừa tội phạm. Những người làm cha mẹ cần hiểu biết những cách thức để quan tâm giáo dục con mình biết cách phòng tránh, tự bảo vệ mình. Vấn đề giáo dục giới tính cũng như giáo dục các em biết cách tự bảo vệ mình cần được chú trọng ngay khi các em đang học ở mẫu giáo, tiểu học. Đến thời điểm này, các giải pháp được đưa ra để tiếp tục duy trì những thành quả của công tác phòng chống XHTD trẻ em là tăng cường công tác tuyên truyền cho những người có trách nhiệm và tăng khả năng tự bảo vệ của các em trước những kẻ xấu.

H.A.T

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN