Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật nuôi con nuôi

16/09/2009 - 19:52
ảnh minh hoạ

Theo các đại biểu, dự thảo Luật cần điều chỉnh thống nhất các vấn đề về nuôi con nuôi với quan điểm xuyên suốt là tăng cường việc nuôi con nuôi trong nước đối với trẻ em

Tiếp tục phiên họp lần thứ 23, chiều 16/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá 12 nghe tờ trình và cho ý kiến Dự án Luật nuôi con nuôi. Trong tình hình thực tế hiện nay, nuôi con nuôi đang là vấn đề mang tính nhân đạo sâu sắc nhất là trong hoàn cảnh đất nước còn chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh.

Theo tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua, pháp luật về nuôi con nuôi đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do chưa được quy định thống nhất nên một số quy định về nuôi con nuôi còn chồng chéo, mâu thuẫn với nhau, làm giảm hiệu lực áp dụng trong thực tế. Hoạt động quản lý nhà nước đối với việc nuôi con nuôi trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế: nhiều trường hợp người dân không đi đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền, nên không có cơ sở pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích của người được nhận làm con nuôi, của cha, mẹ nuôi.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó trên 200.000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật; hàng vạn trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo cần được chăm sóc, chữa trị. Cũng theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, trong hơn 5 năm qua, chỉ có khoảng 20.000 trẻ em được nhận làm con nuôi.

Cho ý kiến về dự thảo Luật nuôi con nuôi, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật cần điều chỉnh thống nhất các vấn đề về nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài với quan điểm xuyên suốt là tăng cường việc nuôi con nuôi trong nước đối với trẻ em; việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng. Cần làm rõ hai hình thức nuôi con nuôi ở nước ta gồm nuôi đơn giản và nuôi con nuôi trọn vẹn. Dự thảo Luật cũng cần quy định công dân trong nước có nhu cầu và nguyện vọng nhận trẻ em làm con nuôi mà chưa xác định được trẻ em cần nhận làm con nuôi, thì có thể đăng ký với Sở Tư pháp hoặc Bộ Tư pháp.

Cũng theo các đại biểu, về đổi mới cách thức giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, cần quy định việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được thực hiện tập trung thống nhất vào một đầu mối là Bộ Tư pháp. Điều đó vừa bảo đảm sự tách bạch giữa việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra trong công tác quản lý về nuôi con nuôi ./.

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN