Chấm dứt hợp đồng ủy quyền do lỗi của người làm đại diện

10/11/2019 - 18:41

Nguyễn Thị Thúy (Mỏ Cày Bắc) có nhu cầu tư vấn: Tháng 6-2018, tôi có làm hợp đồng ủy quyền (HĐUQ) cho ông N. làm đại diện cho tôi tham gia giải quyết tranh chấp chia tài sản thừa kế tại tòa án. Thời hạn ủy quyền kết thúc sau khi tòa án giải quyết xong vụ án. Tôi đã ứng trước cho ông N. số tiền 20 triệu đồng. Thế nhưng, ông N. chỉ có mặt tại tòa theo giấy triệu tập lần thứ nhất. Sau đó, tòa án có giấy triệu tập lần 2 nhưng ông vắng mặt. Tôi điện thoại thì ông N. viện lý do bận công việc và yêu cầu tôi ứng thêm tiền nữa cho ông. Xin hỏi: Ông N. làm vậy là đúng hay sai? Tôi có thể chấm dứt HĐUQ với ông N. được không, thủ tục ra sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 562, Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: “HĐUQ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1, Điều 563, BLDS, về thời hạn ủy quyền là do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì HĐUQ có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Trường hợp của bà đã làm HĐUQ cho ông N. tham gia tố tụng tại Tòa án. Đây là HĐUQ có thù lao và thời hạn ủy quyền chấm dứt khi Tòa án giải quyết xong vụ án. Tuy nhiên, ông N. chỉ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án lần thứ nhất; sau đó, ông viện lý do “bận công việc” nên không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án lần thứ hai và yêu cầu bà ứng thêm tiền.

Như vậy, ông N. đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của bên được ủy quyền. Vì vậy, ông có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại (nếu có) do vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 565, BLDS.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 569, BLDS: “Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại…

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc HĐUQ đã bị chấm dứt”.

Như vậy, sau khi chấm dứt HĐUQ với ông N., bà phải báo bằng văn bản cho Tòa án (thụ lý giải quyết tranh chấp) biết và bà có thể ủy quyền cho người khác làm đại diện tham gia tố tụng.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN