Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

05/05/2019 - 20:15

Bà Nguyễn Thị Tiềm (Mỏ Cày Bắc) có nhu cầu tư vấn: Ông ngoại tôi nay đã 80 tuổi, bà ngoại tôi đã chết. Ngoại tôi có 3 người con trai ruột, người cậu út tên Ái và người con gái nuôi (là mẹ tôi). Cậu Hai và cậu Ba đã chết từ lúc còn trẻ và không có vợ con.

Ông ngoại tôi lúc bệnh nặng có lập di chúc để lại cho cậu Ái căn nhà và 9 công đất vườn, cho mẹ tôi 6 công đất vườn. Sau đó, ông ngoại tôi đã khỏi bệnh. Cậu Ái không bằng lòng về việc ngoại tôi để lại di chúc cho mẹ tôi, ông thường chửi và cho rằng mẹ tôi là con nuôi nên không được hưởng thừa kế. Hơn nữa, ông Ái đã tỏ thái độ bất kính và đối xử với ngoại tôi rất tệ.

Mẹ tôi được ngoại nuôi từ lúc còn nhỏ và xem như con ruột. Mẹ tôi chăm sóc và rất có hiếu với ngoại. Xin hỏi: Mẹ tôi có được hưởng di sản thừa kế của ngoại không? Ông Ái có thái độ như nêu trên, mẹ tôi phải làm sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) tư vấn như sau:

- Thứ nhất, mẹ bà được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ nuôi (ngoại của bà) nếu như di chúc của ông ngoại bà là hợp pháp.

Bản di chúc của ông ngoại bà sẽ được coi là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện về nội dung và hình thức theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.

“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật…”.

 Việc phân chia di sản theo di chúc là quyền và thể hiện ý chí của người lập di chúc. Trong trường hợp bản di chúc hợp pháp, thì phần di sản 6 công đất vườn được ông ngoại bà trao thừa kế cho mẹ bà, đương nhiên mẹ bà hoàn toàn có quyền thừa kế phần đất đó.

Theo quy định tại Điều 640 BLDS về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc: “1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. 2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. 3. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”.

Căn cứ quy định trên, trường hợp ông ngoại bà nay đã khỏi bệnh, còn minh mẫn thì cần xem lại bản di chúc của ông có đủ điều kiện của một bản di chúc hợp pháp không. Và nếu người cậu bà (ông Ái) tỏ thái độ bất kính và đối xử với cha rất tệ, thì ông ngoại bà có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập theo quy định tại điều luật nêu trên.

Ngoài ra, tại Khoản 3, Điều 48 Luật Công chứng cũng quy định rất cụ thể về cách thức sửa đổi di chúc của người lập. Theo quy định này, ông ngoại bà có thể đến các văn phòng công chứng có thẩm quyền để thực hiện việc sửa đổi di chúc theo nguyện vọng hiện tại của ông.

Việc ông Ái thường chửi mẹ bà là hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác và được coi là làm nhục người khác. Việc xử lý đối với hành vi này còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng do ông Ái gây nên, có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Mẹ bà có thể trình báo với UBND cấp xã hoặc cơ quan Công an (nơi ông Ái đang cư trú) để các cơ quan này xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN