Xử lý hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án

24/11/2019 - 20:21

Bà Nguyễn Thị Liềm (Long An) có nhu cầu tư vấn: Cuối năm 2017, tôi tranh chấp ranh đất với ông An. Ở gần nhà tôi có ông Kháng là người biết rõ vụ việc tranh chấp này và ông cũng là thành viên hòa giải của ấp. Tháng 3-2019, ông Kháng không còn là thành viên hòa giải của ấp nữa. Tháng 8-2019, tòa án gửi giấy triệu tập ông Kháng với tư cách là người làm chứng, nhưng ông không chịu tới tòa để làm chứng. Vậy tôi phải làm sao, tòa án có mời ông Kháng ra phiên tòa được không?

Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015: “Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, được tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng”.

 Tại Điều 78 Bộ luật TTDS quy định người làm chứng trong TTDS có quyền và nghĩa vụ như sau:

“1. Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.

2. Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.

3. Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.

...

8. Phải có mặt tại tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì thẩm phán, hội đồng xét xử (HĐXX), hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên”.

Theo trình bày của bà, bà cho rằng ông Kháng là người biết rõ vụ việc tranh chấp giữa bà và ông An do trước đây ông Kháng là thành viên hòa giải của ấp nên muốn yêu cầu ông Kháng làm chứng trước tòa về những vấn đề ông Kháng biết.

Ông Kháng là thành viên hòa giải của ấp nhưng đó là công việc chung do chính quyền cơ sở phân công. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, ông Kháng cũng có quyền từ chối làm chứng cho bà theo quy định tại Khoản 3 Điều 78 Bộ luật TTDS: “Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình”.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 70 Bộ luật TTDS về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án dân sự, bà có quyền làm đơn yêu cầu tòa án triệu tập người làm chứng (ông Kháng). 

Căn cứ vào đơn yêu cầu của bà và xem xét nội dung vụ án, thẩm phán thụ lý vụ án và HĐXX sẽ quyết định sự cần thiết phải có mặt của người làm chứng tại phiên tòa hay không.

Nếu cần thiết thì thẩm phán, HĐXX sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác để thu thập chứng cứ từ người làm chứng trong trường hợp họ từ chối tham gia tố tụng hoặc cố tình vắng mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN