Yêu cầu chia di sản thừa kế

26/07/2020 - 19:02

BDK - Ông Nguyễn Văn Phi (Giồng Trôm) có nhu cầu tư vấn: Tôi sống chung với ông ngoại từ nhỏ (bà ngoại tôi đã mất) và là người chăm lo cho ông lúc tuổi già. Năm 2000, ông ngoại tôi bệnh qua đời không để lại di chúc. Tôi làm giấy đứng tên quyền sử dụng 1.700m2 đất vườn của ông để lại từ cuối năm 2000 cho tới nay và là người thờ cúng ông bà ngoại. Tháng 2-2020, anh A và chị B (cùng là cháu ngoại của ông) đòi chia thừa kế phần đất 1.700m2 của ông để lại. Xin hỏi: Tôi có phải chia đất của ông ngoại để lại cho anh A và chị B hay không? Pháp luật quy định ra sao về vấn đề này?

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Điều 649, 650 của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật là do không có di chúc, di chúc không hợp pháp…

Điều 651 BLDS quy định về người thừa kế theo pháp luật:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Vì vậy, anh A, chị B, và ông Phi là những người cùng hàng thừa kế thứ hai (cháu ngoại) được quyền hưởng di sản thừa kế của ông ngoại khi ông ngoại chết, nhưng chỉ được hưởng khi hàng thừa kế thứ nhất không có ai hưởng thừa kế.

Mặt khác, Điều 652 BLDS quy định về thừa kế vị như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Về thời hiệu thừa kế, theo quy định tại Khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Trường hợp của ông, ông là người thừa kế đang quản lý di sản. Nếu hết thời hạn 30 năm mà không có người yêu cầu chia di sản thừa kế thì ông đương nhiên là người chủ sở hữu của di sản này (1.700m2 đất).

Tuy nhiên, do có anh A và chị B (là người cùng hàng thừa kế với ông) tranh chấp đòi chia di sản. Do vậy, ông có thể thỏa thuận với anh A và chị B về di sản này. Nếu không thương lượng được thì Tòa án (nơi có di sản) sẽ giải quyết tranh chấp này.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN