Phát huy hiệu quả các đập tạm ngăn mặn ở Chợ Lách

17/07/2020 - 06:31

BDK - Trong đợt hạn mặn vừa qua, toàn tỉnh có gần 28.000ha cây ăn trái, 600ha cây giống, 1,2 triệu hoa kiểng các loại bị ảnh hưởng, 168ha hoa màu và trên 3.000ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng. Giá trị thiệt hại trên lĩnh vực nông nghiệp ước khoảng 1.660 tỷ đồng. Con số thiệt hại sẽ cao hơn, nếu người dân không chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp. Tại huyện Chợ Lách, người dân đã chủ động xin chính quyền để đắp đập tạm, trữ ngọt cứu trên 2.000ha cây trồng.

Đập tạm Vàm Hòa Nghĩa được đầu tư khoảng 40 triệu đồng đã phát huy hiệu quả trong ngăn mặn trong đợt hạn mặn vừa qua.

Đập tạm Vàm Hòa Nghĩa được đầu tư khoảng 40 triệu đồng đã phát huy hiệu quả trong ngăn mặn trong đợt hạn mặn vừa qua.

Hiệu quả từ đập tạm

Ngay từ đầu năm 2020, các xã ở huyện Chợ Lách đều tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống hạn mặn, đồng thời kiến nghị cấp trên hỗ trợ các cống đập để ngăn mặn. Tuy nhiên, do không đủ kinh phí nên huyện chỉ làm được 1 đập tạm tại xã Hòa Nghĩa.

Với địa hình nằm giữa sông Cổ Chiên và Hàm Luông, trong khi độ mặn sông Hàm Luông rất cao thì độ mặn ở sông Cổ Chiên thấp và có nước ngọt. Sau khi mặn kéo dài, để cứu vườn cây ăn trái, cây giống, người dân ở các xã Sơn Định, Tân Thiềng, Hòa Nghĩa, Phú Phụng… kiến nghị UBND xã tự đóng góp kinh phí, đắp đập tạm ngăn mặn. Các đập tạm được người dân gấp rút triển khai và sau đó đã phát huy hiệu quả.

Tại xã Hòa Nghĩa có 2 đập tạm đã được người dân chung sức để đắp là đập Vàm Hòa Nghĩa và đập tại cầu Út Hên. Đập ngăn mặn từ phía sông Hàm Luông và giữ nước ngọt từ sông Cổ Chiên về. Mỗi đập tạm dài 30 - 40m với kinh phí khoảng 40 triệu đồng, do người dân đóng góp. Sau khi hoàn thành, các đập tạm tại xã Hòa Nghĩa đã phát huy tác dụng, ngăn được mặn, lấy nước ngọt từ sông Cổ Chiên về phục vụ tưới cho trên 300ha sầu riêng, chôm chôm, cây giống… ở một số ấp của xã Hòa Nghĩa và một phần diện tích cây ăn trái tại thị trấn Chợ Lách.

Ông La Văn Thới, thị trấn Chợ Lách hồ hởi cho biết, vườn sầu riêng 8.000m2 của ông nếu không có nguồn nước ngọt được lấy về từ Vàm Hòa Nghĩa sau khi đập tạm được đắp thì phải mua nước ngọt để tưới trong những tháng hạn mặn với số tiền khoảng 150 triệu đồng mới giữ được vườn cây. Nhưng chỉ góp 1,5 triệu đồng để đắp đập tạm, vườn sầu riêng của ông Thới phục hồi hoàn toàn sau mùa hạn mặn.

Xã Hòa Nghĩa có trên 900ha cây ăn trái. Theo Phó chủ tịch UBND xã Hòa Nghĩa Trần Hoàng Dựng, toàn xã có khoảng 70% diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn mặn, nhiều nhất là chôm chôm và sầu riêng với trên 200ha. Nếu không có các đập tạm thì diện tích cây trồng bị ảnh hưởng sẽ cao hơn.

Trong khi đó, tại xã Tân Thiềng, đập tạm Tư Lập được đầu tư kiên cố với kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Đập có chiều dài 25m, được lắp 2 cống, ngăn rạch Cái Sơn để lấy nước ngọt từ cầu Cái Sơn đến Kênh Đào với chiều dài khoảng 3km. Với thiết kế này, đập Tư Lập không chỉ ngăn mặn mà còn trữ nước ngọt mỗi đợt triều, phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho khoảng 300 hộ dân ở 4 ấp: Phú Thới, Tân Thạnh, Quân Bình, Thanh Tân và một phần ấp Quân Phong. Nhờ nguồn nước này đã cứu hàng chục héc-ta cây giống và cây ăn trái của người dân.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Đến nay, tỉnh đã vào mùa mưa. Nhận thấy được hiệu quả của các đập tạm trong thời điểm hạn mặn, nên người dân và chính quyền địa phương tiếp tục đầu tư kiên cố một số đập tạm ở những khu vực không ảnh hưởng đến giao thông thủy để chủ động ứng phó khi mặn xảy ra.

Đập tạm Tư Lập, xã Hòa Nghĩa được người dân góp thêm kinh phí để gia cố, sửa chữa.

Đập tạm Tư Lập, xã Hòa Nghĩa được người dân góp thêm kinh phí để gia cố, sửa chữa.

Khi chúng tôi đến ấp Phú Thới, người dân ở đây đang tiếp tục cùng nhau góp thêm kinh phí để gia cố đập tạm Tư Lập, trong đó huyện hỗ trợ vật liệu như cống, khung cừ, còn ngày công vận động người dân đóng góp.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Thiềng Trần Quang Lên, trong đợt hạn mặn, khi nhận được đề xuất từ người dân mong muốn đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ tưới tiêu, UBND xã xin ý kiến từ huyện, sau đó họp bàn với người dân phối hợp “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sau khi đắp đập tạm Tư Lập, nước ngọt có cho người dân sử dụng ngay nên người dân rất phấn khởi.

Địa phương nhận thấy đập tạm Tư Lập không ảnh hưởng giao thông thủy nên quyết định tiếp tục gia cố đập để sử dụng lâu dài, vừa làm đập ngăn mặn, trữ ngọt vừa làm đê bao cục bộ cho 5 ấp. Thời gian tới, xã dự kiến nạo vét chiều dài đoạn kênh trên 3km, sau đó đắp tiếp đầu còn lại để làm hồ trữ nước ngọt chung của xã, với lượng nước trữ được khoảng 100.000m3, phục vụ cho người dân trong xã nếu những năm tiếp theo có xảy ra hạn mặn.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: Trong lúc hạn mặn, trên địa bàn huyện đắp được 10 đập tạm, trong đó, có 1 đập do huyện làm, 9 đập còn lại do Nhà nước và nhân dân thực hiện. Những đập mà Nhà nước và nhân dân cùng làm thì huyện hỗ trợ cống, khung cừ, nhân công máy, riêng giải phóng mặt bằng và công đắp đập thì kinh phí của người dân. Sau khi các đập tạm được đắp đã phát huy được hiệu quả. Các đập tạm cùng với hệ thống đê bao trên địa bàn huyện đã cung cấp nguồn nước ngọt cho 1/3 diện tích huyện Chợ Lách (khoảng 3.500ha), người dân có nước ngọt phục vụ sản xuất.

“Trong thời gian tới, nếu hạn mặn có xảy ra, cùng với đập kiên cố hiện hữu thì huyện sẽ gia công thêm để hoàn chỉnh các đập tạm” - ông Trần Hữu Nghị cho biết thêm.

“Nhà nước và nhân dân cùng làm” giúp tiết giảm một phần ngân sách địa phương. Ngoài ra, khi đắp đập tạm, người dân được quyền lựa chọn đắp đập kiên cố, vĩnh viễn hay đắp đập tạm để tháo ra khi hết mặn, tạo lưu thông đường thủy. Vì vậy, việc thực hiện rất thuận lợi”.

(Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị)

Bài, ảnh: Thu Hiền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích