Quốc hội thảo luận Dự Luật Năng lượng nguyên tử: Nên giao Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân

14/11/2007 - 21:49

Các đại biểu thảo luận Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử tại hội trường.

Chiều 14/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất cho rằng nên giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân trong nhà máy điện hạt nhân.

Các đại biểu thảo luận: Khi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tổ hợp nhà máy điện hạt nhân thường có nhiều kết cấu có liên quan chặt chẽ với nhau, nếu xảy ra sự cố ở bất kỳ bộ phận nào của tổ hợp đó cũng đều có khả năng gây mất an toàn cho lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân. Do vậy, các đại biểu đề nghị nên giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, nhà nước về an toàn của nhà máy điện hạt nhân chỉ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, Ban soạn thảo cần rà soát, xem xét lại một số quy định nhằm bảo đảm cho Bộ Khoa học và Công nghệ có thể thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về an toàn của nhà máy điện hạt nhân.

Nguồn nhân lực phải được đào tạo bài bản

Các đại biểu Dương Thị Oanh, Nguyễn Danh, Hoàng Trần Ky và nhiều đại biểu khác đã nhấn mạnh đến nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này. Theo các đại biểu, không giống các ngành công nghiệp khác, điện hạt nhân liên quan đến an toàn phóng xạ nên những người tham gia lĩnh vực này phải được đào tạo bài bản, chặt chẽ. Thực tế cho thấy, nhiều sự cố, tai nạn xảy ra của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới không chỉ bắt nguồn từ lỗi của thiết kế, kỹ thuật mà còn do sự bất cẩn của người vận hành.

Vì vậy, việc đào tạo nhân lực để tham gia quản lý và vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân phải được đề ra như một mục tiêu quan trọng, một điều kiện cần trong chiến lược phát triển ngành năng lượng nguyên tử. Theo các đại biểu, việc này không chỉ giúp nước ta bảo đảm an toàn, phát triển ngành năng lượng nguyên tử mà thậm chí còn tiến đến chuyển giao công nghệ điện hạt nhân.

Đại biểu Dương Thị Oanh còn đưa ra ý kiến, Luật cũng nên quy định thêm trách nhiệm của UBND, HĐND khi để sự cố điện hạt nhân xảy ra trên địa phương mình.

Website Chính phủ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN