Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn Luật Quốc phòng

27/03/2019 - 14:12

Đại biểu tham gia lớp tập huấn tại điểm cầu Bến Tre.

Đại biểu tham gia lớp tập huấn tại điểm cầu Bến Tre.

Ngày 27-3-2019, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn Luật Quốc phòng năm 2018 tại 122 điểm cầu truyền hình.

Dự và phát biểu khai mạc lớp tập huấn có Thượng tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng .

Tại điểm cầu Bến Tre, có Đại tá Nguyễn Minh Triều - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thành phố.

Luật Quốc phòng đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 8-6-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Luật Quốc phòng bao gồm 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương, 11 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005; bảo đảm tính hệ thống, logic, khoa học, minh bạch, dễ áp dụng trong tổ chức thực hiện.

Một số quy định mới, quan trọng, cốt lõi của Luật Quốc phòng năm 2018 được bổ sung là: chính sách của nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ và phát triển công nghiệp quốc phòng, để phù hợp với cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ 4 (cách mạng 4.0); quy định về phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; quy định về phòng thủ quân khu; quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy định về đối ngoại vào trong xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ.

Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung nhiều quy định mới, tạo hành lang pháp lý để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: “Luật Quốc phòng năm 2018 đã quán triệt và thực hiện đầy đủ 7 quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, trong đó quan điểm xuyên suốt là: Xây dựng theo hướng là luật khung, chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chính sách lớn về quốc phòng, bảo đảm hợp Hiến pháp, phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan. Về mục tiêu, đó là xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tin, ảnh: Đặng Thạch

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN