Trưởng thành từ những cuộc “Hành quân xanh”

29/06/2018 - 07:33

Giờ giải lao trên công trình của các chiến sĩ “Hành quân xanh”.

Giờ giải lao trên công trình của các chiến sĩ “Hành quân xanh”.

Các chiến sĩ hăng say lao động trong cái nắng gay gắt tại ấp Phú Thới, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách trong chuyến “Hành quân xanh” năm nay. Một chiến sĩ hỏi anh cán bộ quản lý của mình: “Anh ơi, mình phụ đổ bê-tông đoạn đường này còn khoảng bao nhiêu xa nữa vậy anh?”. Anh này liền nhoẻn miệng cười, nói: “Sắp hoàn thành con đường rồi, anh em hãy cố lên”.

“Quân với dân như cá với nước”

Tôi cùng anh em xen kẽ nhau hết vác, xúc cát, đá rồi đứng máy trộn hồ miễn sao cho từng khâu không để chậm tiến độ hoàn thành của công trình mà anh em chúng tôi sẽ thực hiện trong chiến dịch “Hành quân xanh” đợt này, với đoạn đường hơn 2km, chiều ngang 3m. Trước khi tham gia chiến dịch, anh em rất phấn khởi vì nghĩ tham gia chiến dịch lần này sẽ được về địa phương góp một phần sức nhỏ của mình để xây đường cho bà con đi lại dễ dàng, đặc biệt là những em nhỏ chạy xe đi học không còn bị ngã té do đường trơn trượt.

Binh nhì Phan Quốc Khánh, 18 tuổi, vừa xong tân binh và được biên chế về Trung đội Hữu tuyến điện, Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu tâm sự: “Trước khi đi, em chưa hình dung mình sẽ làm những việc gì, có khó khăn hơn lúc còn 3 tháng tân binh hay không, ăn ngủ, nghỉ tại nhà dân sẽ ra sao, nhưng khi nghe các anh đi trước giải thích, em mới hiểu và bớt lo lắng. Tham gia lần này em rất vui vì được giúp đỡ bà con rất nhiều. Ngay từ đầu, em phấn đấu làm thật tốt từng công việc chỉ huy giao cho. Em thấy rất phấn khởi, mong sao trong cuộc đời binh nghiệp của mình sẽ có nhiều chuyến đi trải nghiệm như thế”.

Thiếu úy chuyên nghiệp Trần Trung Bảo - Phòng Kỹ thuật tham gia 3 mùa chiến dịch chia sẻ: “Mỗi lần tham gia chuyến hành quân, lòng tôi đều rạo rực, luôn muốn xung phong làm những việc đầu tiên và vất vả nhất thay cho các anh lớn hơn cũng như các em lần đầu tham gia. Khi được các cô, các chú rót cho những ly nước uống trong giờ giải lao, mọi mệt nhọc trong tôi đều tan biến. Ở đây làm vui thiệt, bà con cùng ăn cùng làm, đặc biệt là tận tay gói xôi chuối trộn mì và dừa khô nạo với đường cát cho chúng tôi ăn trong lúc nghỉ giữa giờ”. Thật vậy, chứng kiến tình cảm của bà con nơi đây dành cho bộ đội mới thấy thấm thía câu nói “quân với dân như cá với nước”.

Ở dân thương, đi dân nhớ

Xong phần việc của buổi sáng hơn 11 giờ trưa, anh em di chuyển về các nhà dân mà mình ở, tranh thủ vệ sinh sạch sẽ và cơ động sang nhà tập trung để ăn cơm trưa. Buổi cơm rất đầm ấm, nghĩa tình. Có mặt đông đủ, các anh đầu bếp kiêm nhiệm làm tươm tất và bày sẵn lên bàn, anh em chiến sĩ trật tự lấy ghế và chén ngồi vào bàn và thưởng thức. Đột nhiên có 1 chiến sĩ hỏi: “Hôm nay sao nhiều đồ ăn và ngon hơn ở đơn vị vậy mấy anh?”. Đứng phía trước là anh quản lý mới nhanh nhẹn trả lời: “Hôm nay ngon hơn bình thường là phải, vì trong bữa cơm anh em chúng mình được bà con tặng thêm mấy ký cá và chôm chôm để la-sét, đó là do chú Hai Sang gởi tặng chúng mình”.

Chú Hai Sang là người luôn sốt sắng cùng anh em ngay từ những ngày đầu, chạy lo nước uống, liên hệ nhà nghỉ, xem anh em có ăn ngủ ngon không. Trong lúc bộ đội đang ăn, chú Hai Sang bộc bạch: “Thiệt tình bà con ở đây biết ơn mấy chú dữ lắm. Nhờ bộ đội về phụ giúp đỡ chứ ở đây biết chừng nào mà hoàn thành được con đường. Con đường này là mơ ước của tất cả bà con ở ấp Phú Thới. Thấy tụi con về đứa nào cũng dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự từ việc trong nhà ra ngoài, hễ thấy việc là làm, tuy mới vài ngày nhưng bà con ở đây như gắn bó đã từ lâu”.

Cứ thế, anh em chúng tôi hăng say lao động hoàn thành từ đoạn đường này đến đoạn đường khác dưới ánh nắng chan hòa cùng với tiếng hát ca loáng thoáng của các chiến sĩ, mấy em sinh viên. Mong rằng, những nỗ lực của sức trẻ sẽ mang đến cho người dân nơi đây những con đường sạch đẹp.

Bài, ảnh: Võ Cát

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN