Xây dựng cán bộ chính trị trong Quân đội theo tư tưởng của Bác

14/09/2018 - 08:03

Khen thưởng cho các đồng chí có nhiều đóng góp qua 5 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Ảnh: Đặng Thạch

Khen thưởng cho các đồng chí có nhiều đóng góp qua 5 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Ảnh: Đặng Thạch

Chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, trước yêu cầu về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng quân đội (QĐ) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trên cơ sở vững mạnh về chính trị đã và đang đặt ra những yêu cầu rất cao phải củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với QĐ. Đồng thời, đây cũng là đòi hỏi rất bức thiết về nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ chính trị.

Ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 51 “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐ nhân dân Việt Nam”. Nghị quyết ra đời là sự phát triển sáng tạo những giá trị cao cả trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với QĐ nhân dân Việt Nam, là bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐ cũng như về vị trí, vai trò của người cán bộ trong quá trình lãnh đạo cách mạng nói chung và vị trí, vai trò của người cán bộ chính trị trong QĐ nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị. Do đó, đội ngũ cán bộ chính trị trong QĐ đã hình thành, phát triển và phát huy vai trò to lớn của mình trong xây dựng QĐ vững mạnh về chính trị, cơ sở xây dựng QĐ vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao.

Hơn 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐ đã khẳng định và chứng minh vị trí, vai trò nổi bật của những người chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị. Hình ảnh người chính ủy, chính trị viên “Bộ đội Cụ Hồ” qua các cuộc kháng chiến đã khắc sâu, in đậm trong tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta, trở thành những giá trị tốt đẹp mà hôm nay và mãi mãi về sau sẽ luôn được trân trọng và phát huy. Vì vậy, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ chính trị, đặc biệt là những luận điểm về chính trị viên không những có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn hết sức to lớn, làm cơ sở cho việc quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị.

Trong tình hình hiện nay, việc tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chính ủy, chính trị viên còn xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, phương hướng xây dựng QĐ trong giai đoạn cách mạng mới. Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX xác định: “Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia dân tộc”. Về phương hướng xây dựng QĐ, Đảng ta xác định: “xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó xây dựng QĐ nhân dân vững mạnh về chính trị là quan trọng hàng đầu” trong khi chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm phi chính trị hóa QĐ, làm xa rời mục tiêu, phương hướng chính trị của cán bộ, chiến sĩ trong QĐ. Do đó, càng đòi hỏi hơn bao giờ hết phải xây dựng cho được đội ngũ chính ủy, chính trị viên có đủ phẩm chất và năng lực tiến hành tốt công tác đảng, công tác chính trị làm cơ sở, nòng cốt nhằm đánh bại hoàn toàn âm mưu, thủ đoạn của địch.

Chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, lời dạy, lời nói cũng như những quan điểm về chính ủy, chính trị viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cả về phương diện lý luận và thực tiễn, là cơ sở khoa học soi sáng cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị. Nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về chính ủy, chính trị viên không chỉ đặt nền móng dẫn đến sự ra đời của đội ngũ cán bộ chính trị mà nó còn chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng bảo đảm cho sự phát triển nhanh chóng, vững chắc của hệ thống cán bộ chính trị trong QĐ. Mỗi thành tựu cũng như hạn chế về xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong QĐ đều gắn liền với nhận thức về vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị và sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đội ngũ chính ủy, chính trị viên hiện nay n

Thượng tá Võ Thanh Phong - Phó chủ nhiệm Chính trị - Bộ CHQS tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN