Mô hình Câu lạc bộ Cựu quân nhân

17/02/2017 - 07:23
Cựu quân nhân tham gia chăn nuôi, phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Thạch

Cựu quân nhân (CQN) là những người hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đây là lực lượng được tôi luyện trong môi trường quân đội, hầu hết là trẻ, khỏe, có kỷ luật và hoài bão. Lực lượng này nếu được tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện để phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ thì đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong các phong trào hành động ở địa phương.

 

Thực hiện Thông tư liên tịch số 127 ngày 24-8-2007 giữa Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh Việt Nam về việc hướng dẫn vận động, tập hợp CQN tham gia câu lạc bộ (CLB), Ban liên lạc CQN cơ sở, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện  Giồng Trôm phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên huyện đã tập trung thực hiện công tác vận động, tập hợp CQN tham gia sinh hoạt tại các CLB. Đến nay, toàn huyện có 142/142 ấp, khu phố có thành lập CLB CQN, với 2.531/2.712 hội viên, đạt 93,32% (có 121 đảng viên, 691 đoàn viên). Hầu hết các CLB CQN trên địa bàn huyện đều được các cấp chính quyền và nhân dân đánh giá cao trong vai trò xung kích, tiếp tục phát huy bản chất và truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Tuy nhiên, huyện còn gần 2/3 CLB hoạt động rời rạc, gặp rất nhiều khó khăn trong tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt. Điển hình như xã Thạnh Phú Đông và Tân Hào, hơn nửa số lượng CLB có nguy cơ không có hội viên tham gia sinh hoạt, nguyên nhân đa số các anh em xuất ngũ ở độ tuổi bắt đầu khởi nghiệp hoặc là trụ cột kinh tế gia đình, nên vận động họ tham gia sinh hoạt rất khó khăn, cá biệt có một số trường hợp quân nhân trẻ tuổi có dấu hiệu tham gia các tệ nạn xã hội, không lo chí thú làm ăn…

Nhận thấy vấn đề này, đầu năm 2016, thực hiện Kế hoạch số 12, ngày 19-2-2016 của Ban Dân vận Huyện ủy Giồng Trôm về việc “Xây dựng mô hình dân vận khéo cấp cơ sở năm 2016”, Ban CHQS huyện chỉ đạo Ban CHQS xã Thạnh Phú Đông và Tân Hào xây dựng mô hình với chủ đề “Vận động, tập hợp quân nhân xuất ngũ tham gia sinh hoạt CLB CQN tại cơ sở” để đăng ký mô hình dân vận khéo cấp tỉnh, được Ban Dân vận Tỉnh ủy công nhận là mô hình dân vận khéo cấp tỉnh năm 2016.

Qua một năm thực hiện mô hình, hầu hết quân nhân xuất ngũ có mặt tại địa phương đều tích cực tham gia sinh hoạt CLB, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương như: xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở nơi cư trú, an ninh nông thôn, phòng chống tội phạm, an toàn giao thông… Nhiều CQN làm kinh tế giỏi, hỗ trợ nhau giảm nghèo, cùng nhau tạo quỹ xoay vòng, hỗ trợ nhau con giống, khoa học kỹ thuật… Tiêu biểu ở xã Thạnh Phú Đông có CLB nuôi dê sinh sản của CQN Cao Văn Phon, mô hình nuôi dê lấy thịt của CQN Cao Văn Giao (Ấp 3), nuôi bò của CQN Nguyễn Văn Hồng (Ấp 2B), hay mô hình đan giỏ cọng dừa của CQN Trần Minh Lộc (Ấp 1B). Ở xã Long Mỹ có hộ CQN Nguyễn Văn Bé Phúc làm giàu từ nuôi heo; Nguyễn Thanh Lâm trồng cây có múi; Võ Văn Sết làm giàu từ cây thuốc nam… Những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả của từng hội viên từng bước được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động CLB.

Đối với những quân nhân còn trong tuổi Đoàn luôn nêu cao vai trò xung kích, nhất là việc vận động thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lên đường nhập ngũ. Đặc biệt, nhiều quân nhân cá biệt trước đây khi tham gia sinh hoạt CLB đã chuyển biến, lo chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Ban CHQS huyện tiếp tục nhân rộng mô hình thực hiện rộng khắp trên toàn địa bàn huyện. Để thu hút đông đảo quân nhân xuất ngũ tham gia các CLB CQN, Đảng ủy và chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường huy động các đoàn thể cùng vào cuộc, tạo động lực để CLB CQN hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, Ban CHQS huyện phối hợp với Cựu chiến binh huyện, Đoàn thanh niên cần phối hợp, xây dựng, định hướng kế hoạch hoạt động cho các CLB CQN, đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt. Cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm phát triển Đảng cho các quân nhân xuất ngũ và tạo điều kiện để họ tham gia công tác trong hệ thống chính trị ở địa phương.

 

Trọng Linh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN