Vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo

31/05/2017 - 07:21

Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; trung bình, cứ 100km2 đất liền thì có 1km bờ biển (trung bình của thế giới là 600km2 đất liền có 1km bờ biển).

Biển nước ta được xác định theo 5 vùng: nội thủy; lãnh hải; tiếp giáp lãnh hải; đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước Việt Nam có vùng biển rộng trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của dân tộc ta.

Biển, đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước, đến văn minh và hạnh phúc của nhân dân. Trước hết phải nói về tiềm năng về kinh tế, với trên 2.040 loài cá, gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có 100 loài cá có giá trị kinh tế cao; trên 600 loài rong biển là nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao, nguồn dược liệu phong phú; dưới đáy biển chứa đựng một trữ lượng lớn khoáng sản quý như: Thiếc, Ti tan, Thạch anh, Nhôm, Sắt, Măng gan, Đồng, Kền và các loại đất hiếm; muối ăn chứa trong nước biển bình quân 3.500gr/m3; trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông, có thể khai thác từ 30 đến 40 ngàn thùng/ngày (mỗi thùng 159 lít) khoảng 20 triệu tấn/năm, trữ lượng dầu dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khí đốt khoảng 3 nghìn tỷ m3/năm.

Bờ biển nước ta chạy dọc từ Bắc tới Nam theo chiều dài đất nước, có nhiều cảng, vịnh… rất nhiều thuận tiện cho giao thông, đánh bắt hải sản. Nằm liền trục giao thông đường biển quốc tế từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, trong tương lai sẽ là tiềm năng cho ngành kinh tế dịch vụ du lịch trên biển (đóng tàu, sữa chữa tàu, tìm kiếm cứu hộ, thông tin, dẫn dắt…). Bên cạnh đó, với thế mạnh bờ biển dài có nhiều bãi cát, vùng vịnh, hang động tự nhiên đẹp là tiềm năng du lịch lớn của nước ta, theo thống kê hàng năm trong tổng số khách đến tham quan, du lịch tại nước ta thì du lịch biển, đảo chiếm từ 50 - 60%.

Biển, đảo nước ta là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng - an ninh của đất nước, hình thành nên tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, những điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, đồng thời là lá chắn vững chắc từ hướng biển, tạo thế liên hoàn biển - đảo - bờ trong thế trận phòng thủ khu vực. Lịch sử cho thấy trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển. Ngày nay, Biển Đông cùng các đảo vẫn còn diễn ra tranh chấp và quyết liệt về chủ quyền giữa các quốc gia, nơi tiềm ẩn những bất trắc khó lường, đang là thách thức đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh của nước ta trên biển và từ hướng biển.

Về mặt pháp lý - chính trị, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 vào ngày 23-6-1994, Công ước này bắt đầu có hiệu lực từ 16-11-1994. Nhà nước ta đã cụ thể hóa cơ sở pháp lý của Luật Biển, tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, thể hiện quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng. Ngày18-12-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 161/2003/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới biển gồm 5 chương, 37 điều, quy định hoạt động của người, tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài trong khu vực biên giới biển nhằm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển. Ngày 21-6-2012, tại Kỳ họp lần thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIII) đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Từ vị trí quan trọng của biển, đảo, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng -  an ninh và xây dựng các thế trận quốc phòng toàn dân trên các vùng biển, đảo. Ngày nay, với xu thế gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo được trên đất liền sẽ dần bị cạn kiệt, sự tồn tại và phát triển của con người đang hướng về đại dương.

Vì vậy, vị trí, vai trò của biển càng trở nên quan trọng, việc tranh chấp, xác nhận chủ quyền biển, đầu tư phát triển kinh tế biển, củng cố quốc phòng - an ninh trên biển đang trở thành vấn đề nóng bỏng và có tính cấp bách cho các quốc gia có biển. Là quốc gia có biển, đó là một lợi thế lớn, chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, tăng cường hơn nữa phát triển kinh tế biển với chiến lược toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng - ninh và hợp tác quốc tế.

Biển, đảo nước ta là địa bàn quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Hiện có trên 30% dân số cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển, thu hút hơn 10 triệu lao động, giải quyết việc làm, góp phần vào ổn định tình hình kinh tế, chính trị - xã hội và an ninh - quốc phòng.

Hữu Thành

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN