COP 24 ra dự thảo tuyên bố chung sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng

16/12/2018 - 11:59

Để ra được dự thảo tuyên bố chung, Chủ tịch hội nghị COP 24 đã phải vận động, thuyết phục, kêu gọi các bên giảm bất đồng.

Các đại biểu chủ trì hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tại Katowice (Ba Lan) ngày 4-12-2018. Nguồn: THX

Các đại biểu chủ trì hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tại Katowice (Ba Lan) ngày 4-12-2018. Nguồn: THX

Bất chấp những bất đồng, các nhà đàm phán đến từ gần 200 quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị khí hậu COP24 tại Ba Lan hôm 14-12-2018 đã ra được dự thảo tuyên bố bố chung nhằm thực thi thỏa thuận Paris về kiểm soát sự ấm nóng toàn cầu. Đây được xem là tín hiệu tích cực sau 2 tuần đàm phán đầy căng thẳng ở hội nghị. 

Để ra được dự thảo tuyên bố chung, Chủ tịch hội nghị COP 24 đã phải vận động, thuyết phục, kêu gọi các bên giảm bất đồng và phải đưa ra bằng được văn bản cuối cùng đạt được sự đồng thuận cả về mặt ngôn ngữ và những điểm mấu chốt nhằm thực thi thỏa thuận Paris về đối phó biến đổi khí hậu vào cuộc họp chiều ngày 13-12-2018 vừa qua. Dự thảo đặt ra các lựa chọn nhằm thực thi thỏa thuận Paris 2015 giới hạn mức độ ấm nóng toàn cầu dưới 2 độ C.

Đa phần các quốc gia tham gia đàm phán cũng tái khẳng định sự ủng hộ báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc giới hạn mức độ ấm nóng toàn cầu.

Liên minh Tham vọng Cao – một tổ chức có sự tham gia của 100 quốc gia, kể cả các nước thành viên Liên minh châu Âu đã đánh giá cao kết quả ban đầu của hội nghị, nói rằng, khoa học là vấn đề không cần phải đàm phán.

Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng và khí hậu Liên minh châu Âu Mighuel Arias Canete – một trong những thành viên liên minh nói:“Đây không phải là quyết định chính trị nên chúng ta mới công nhận trong khuôn khổ hội nghị COP. Đây là bằng chứng khoa học mà chúng ta cần công nhận, một báo cáo mà COP đã yêu cầu Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu chuyển đến các bên tham gia hội nghị”.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu mới đây đã công bố một báo cáo trong đó ghi nhận tác động của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C. Theo báo cáo, thế giới đang đi chệch hướng trong kế hoạch ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Thay vì giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5 độ C, nhiệt độ trái đất có xu hướng sẽ tăng lên 3 độ C trong thế kỷ này.

Để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có những thay đổi nhanh chóng, không có tiền lệ trong mọi khía cạnh xã hội. Nếu tình trạng ấm nóng toàn cầu tiếp tục được duy trì ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ này, lượng phát thải CO2 sẽ giảm 45% vào năm 2030. Báo cáo được công bố tại Hàn Quốc vào tháng 10-2018, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của giới khoa học và chính trị trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ngay từ khi được công bố và đến Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2018, vẫn có không ít ý kiến phản đối báo cáo trong đó có Saudi Arabia, Mỹ Nga và Kuwait.

Trong khuôn khổi hội nghị, các bên cũng nhất trí, Chile sẽ là nước đăng cai tổ chức hội nghị tiếp theo COP 25 vào cuối năm 2019. Theo kế hoạch ban đầu, Brazil sẽ là chủ nhà của COP 25, tuy nhiên Chính phủ nước này vừa quyết định rút lui vào cuối tháng 11-2018.

Bên cạnh chi phí lớn, chính phủ của Tổng thống Michel Temer còn bất đồng một số điểm và từng có ý định rút Brazil khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Chile và Costa Rica là hai quốc gia chạy đua để thay thế vị trí của Brazil. Costa Rica rút lui vì chi phí quá lớn. Chilê đã được các phái đoàn tham dự COP 24 trao quyền tổ chức COP 25, với sự hỗ trợ của Costa Rica. Theo quy ước của Liên hợp quốc, các hội nghị về biến đổi khí hậu hàng năm sẽ được tổ chức luân phiên giữa châu Âu và khu vực Trung Mỹ - Nam Mỹ.

Nguồn: VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN