Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 16-5-2020: Thế giới trên 4,6 triệu ca nhiễm, trên 308.000 người tử vong

16/05/2020 - 06:51

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 95.994 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 4.935 người tử vong. Nhiều quốc gia châu Âu tiếp tục đẩy mạnh nới lỏng các hạn chế phòng dịch, trong khi tình hình vẫn diễn biến đáng lo ngại ở các nước Mỹ Latinh.

Người dân thư giãn bên dòng kênh Saint-Martin ở Paris, Pháp ngày 13-5-2020 khi nước này bắt đầu nới lỏng các hạn chế. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân thư giãn bên dòng kênh Saint-Martin ở Paris, Pháp ngày 13-5-2020 khi nước này bắt đầu nới lỏng các hạn chế. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ ngày 16-5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 4.617.983 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 308.017 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 1.749.346 người.

Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.481.887 ca nhiễm (tăng 24.294 ca trong 24 giờ qua) và 88.400 ca tử vong (tăng 1.488 ca). Tiếp đến là Tây Ban Nha với 274.367 ca nhiễm và 27.459 ca tử vong, Nga (262.843 ca nhiễm và 2.418 ca tử vong), Anh (236.711 ca nhiễm và 33.998 ca tử vong) và Italy (223.096 ca nhiễm và 31.368 ca tử vong).

Mỹ: Thành phố New York gia hạn phong toả

Các biện pháp phong tỏa ở thành phố New York của Mỹ sẽ được gia hạn đến ngày 13-6 theo sắc lệnh hành pháp do Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, vừa ký ban hành. Tuy nhiên, sắc lệnh cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển đồng thời "bật đèn xanh" cho các doanh nghiệp dần mở cửa trở lại. Thành phố New York hiện là tâm điểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ với hơn 20.000 trường hợp tử vong. Lệnh phong tỏa do COVID-19 áp dụng trên toàn nước Mỹ dự kiến hết hiệu lực vào ngày 15-5 (giờ Mỹ, tức ngày 16-5 theo giờ Việt Nam). 

Hiện Thống đốc Cuomo đang tập trung xây dựng lộ trình để từng bước vực dậy nền kinh tế tiểu bang đang rơi vào tình trạng gần như tê liệt.

 Người dân xếp hàng nhận nhu yếu phẩm cứu trợ trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại New York, Mỹ ngày 13-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 Người dân xếp hàng nhận nhu yếu phẩm cứu trợ trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại New York, Mỹ ngày 13-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giáo sư Y khoa và lão khoa Thomas Perls tại Đại học Y Boston nhận định, tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ có thể tăng gấp đôi so với thống kê hiện tại, đặc biệt là ở New York, nếu tính cả những ca tử vong trong các viện dưỡng lão. Ông cho rằng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 sẽ tăng lên 60.000 người, so với con số thống kê 30.000 người ở thời điểm hiện tại, nếu bao gồm cả những ca đã tử vong trong các viện dưỡng lão.

Trong diễn biến liên quan, 5 thuỷ thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang đậu tại Guam đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 lần thứ hai sau khi kết thúc thời gian cách ly đã hai lần cho kết quả âm tính và được phép trở lại tàu. Có tới trên 4.000 trong số 4.800 thuỷ thủ tàu được đưa lên bờ để cách ly. Đầu tháng 5 này, hàng trăm thuỷ thủ bắt đầu trở lại tàu, sẵn sàng ra khơi.

Tại khu vực Mỹ Latinh, Mexico và Brazil ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng đột biến. Cụ thể, trong 24 giờ qua Brazil có 15.305 ca nhiễm mới và 824 ca tử vong. Tổng số ca _COVID-19 tại nước này đã tăng lên lên 218.223, trong đó 14.817 ca tử vong.

Mexico ghi nhận 2.409 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 42.595, và 257 ca tử vong trong tổng số 4.477 trường hợp. Chile cũng có thêm 2.502 ca mắc bệnh trong ngày, tổng số ca là 39.542, trong đó có 394 ca tử vong.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Santo Andre, bang Sao Paulo, Brazil, ngày 11-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Santo Andre, bang Sao Paulo, Brazil, ngày 11-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nước châu Âu nới lỏng quy định cách ly, liên tiếp mở cửa lại

Ngày 15-5, Đức thông báo sẽ nới lỏng các quy định cách ly đối với những người đến từ Liên minh     châu Âu (EU), khu vực Schengen và Anh. Theo Bộ Nội vụ Đức, lực lượng chức năng sẽ chỉ khuyến cáo những người đến từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao đi cách ly. Trong khi đó, yêu cầu cách ly bắt buộc 2 tuần vẫn áp dụng đối với những người đến từ các nước không thuộc EU. 

Giao thông đông đúc tại thủ đô Berlin, Đức khi các hạn chế cách ly do dịch COVID-19 tại nước này được nới lỏng, ngày 14-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giao thông đông đúc tại thủ đô Berlin, Đức khi các hạn chế cách ly do dịch COVID-19 tại nước này được nới lỏng, ngày 14-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Italy cho đi lại tự do từ 3-6

Trong ngày 15-5, Italy ghi nhận 789 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 223.885 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã là 31.610 trường hợp (tăng 242 ca). Các quy định nới lỏng việc tự do đi lại giữa các vùng của người dân Italy đã được đệ trình lên Thủ tướng nước này. Theo đó, người dân Italy có thể được tự do đi lại trên toàn lãnh thổ Italy kể từ ngày 3-6. Kể từ ngày 18-5, các cửa hàng, viện bảo tàng, trung tâm thương mại, quán bar, nhà hàng, cửa hiệu cắt tóc, làm đẹp được phép hoạt động trở lại.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát mới được công bố của trường đại học Milan cho thấy 25% dân số Italy, tương đương 15 triệu người, đã có các triệu chứng của bệnh COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 7-3 đến 4-5 và 8 triệu người trong số đó có thể đã mắc bệnh.

Các phương tiện lưu thông trên một tuyến phố ở Milan, Italy ngày 4-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các phương tiện lưu thông trên một tuyến phố ở Milan, Italy ngày 4-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng trong ngày 15-5, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca tử vong mới do mắc COVID-19 ở mức thấp nhất kể từ ngày 11-5. Theo đó, Tây Ban Nha chỉ xác định 138 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 27.459 người. Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở Tây Ban Nha hiện là 274.367 người.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, 70% dân số nước này sẽ được nới lỏng nhiều hạn chế theo giai đoạn 1 mở cửa lại bắt đầu từ ngày 11-5. Khoảng 30% dân số vẫn ở trong giai đoạn 0, với một số biện pháp nới lỏng. Trước khi có thay đổi mới, chỉ trên một nửa dân số Tây Ban Nha được hưởng nới lỏng hạn chế theo giai đoạn 1.

Anh: "Nóng" tại các trung tâm dưỡng lão

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 15-5 ho biết toàn bộ cư dân và nhân viên tại các nhà dưỡng lão ở nước này sẽ được xét nghiệm từ nay đến đầu tháng 6. Cơ quan Thống kê quốc gia (ONS) của Anh cho biết, trong hai tháng vừa qua, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở vùng England và Wales đã ghi nhận 12.526 trường hợp tử vong do mắc COVID-19. Trong số này có gần 75% tử vong tại nhà dưỡng lão, số còn lại tử vong tại bệnh viện. Tuy nhiên, ONS cho rằng số ca tử vong tại các nhà dưỡng lão có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu thống kê. 

Anh hiện là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới sau Mỹ, với 33.998 người. Trong khi đó, số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang là 236.711 người.

Các nghị sĩ Quốc hội Anh tại một phiên họp trực tuyến ở London ngày 13-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nghị sĩ Quốc hội Anh tại một phiên họp trực tuyến ở London ngày 13-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov cho biết nước này sẽ cho phép các trung tâm thương mại mở cửa trở lại vào ngày 18-5. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy việc nới lỏng các quy định, được áp đặt cách đây 2 tháng, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Tính đến nay, Bulgaria ghi nhận 2.138 ca mắc COVID-19, trong đó có 102 người tử vong. 

Cũng ngày 15-5, Slovenia đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố hết dịch COVID-19, sau khi ghi nhận ít hơn 7 ca mắc mới mỗi ngày trong 2 tuần qua. Slovenia đã mở cửa biên giới cho toàn bộ công dân EU, tuy nhiên những đối tượng nhập cảnh không phải công dân EU sẽ phải bị cách ly. Slovenia cũng tiếp tục duy trì một số biện pháp như cấm tụ tập đông người và người dân vẫn phải tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng. 
Thủ tướng Slovenia Janez Jansa khẳng định nước này là quốc gia thành công nhất ở EU trong việc đối phó đại dịch COVID-19, rằng tình hình kiểm soát dịch bệnh đang thuận lợi và chính phủ sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và phục hồi sau khủng hoảng.

Ba nước vùng Baltic mở cửa biên giới 

Rạng sáng 15-5 (theo giờ địa phương), ba nước Latvia, Lítva và Estonia đã mở cửa biên giới với nhau, tạo ra "bong bóng đi lại" đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị tàn phá do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Người dân của 3 quốc gia Latvia, Lítva và Estonia vùng Baltic hiện có thể tự do đi lại trong khu vực, trong khi những người ngoài khu vực đến đây vẫn phải tự cách ly 14 ngày.

Là 3 thành viên nghèo nhất trong Eurozone, Latvia, Lítva và Estonia dự đoán nền kinh tế của họ sẽ suy giảm 7-8% trong năm nay.

Iran: Số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ tháng Tư

Ngày 15-5, Iran thông báo nước này ghi nhận 2.102 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm theo ngày cao nhất tại nước này kể từ tháng Tư đến nay. Như vậy, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này là 116.635 ca, trong khi số ca tử vong là 6.902 ca. Cho đến nay, Khuzestan là tỉnh duy nhất tại Iran bị tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt như đóng cửa các cửa hàng kinh doanh sau khi Iran bắt đầu nới lỏng các biện pháp trên toàn quốc hồi tháng trước.   

Lực lượng bảo vệ biên giới Iran tuần tra tại khu vực Milak, gần biên giới Iran - Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Lực lượng bảo vệ biên giới Iran tuần tra tại khu vực Milak, gần biên giới Iran - Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc đã xét nghiệm cho hơn 3 triệu người tại Vũ Hán

Chính quyền thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc cho biết đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho hơn 3 triệu người trong tổng số 11 triệu dân ở thành phố này. Chương trình xét nghiệm được triển khai với toàn bộ người dân trong 10 ngày sau khi phát hiện ổ lây nhiễm mới kể từ khi thành phố mở cửa trở lại ngày 8-4 sau 76 ngày bị phong tỏa do dịch COVID-19. Đã có 6 ca nhiễm mới được xác nhận trong các ngày 11-5 và 12-5 ở một khu nhà thuộc quận Đông Tây Hồ. 

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 14-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 14-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Australia, Nhật Bản mở lại các hoạt động xã hội

Ngày 15-5, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ Australia đã thực hiện thành công giai đoạn một của quá trình nới lỏng các hạn chế xã hội và kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 ở nước này. Tuyên bố của ông Morrison được đưa ra chỉ một tuần sau khi Nội các quốc gia đồng ý về lộ trình ba giai đoạn cho việc dỡ bỏ các hạn chế.

Theo Thủ tướng Morrison, việc thực hiện thành công giai đoạn một của quá trình nới lỏng các các hạn chế xã hội và kinh tế cũng như lệnh cấm đi lại giữa các bang và lãnh thổ trên khắp Australia được dỡ bỏ sẽ mở ra thị trường du lịch nội địa với tiềm năng doanh thu hàng tỷ USD. Như vậy, trong khi du lịch quốc tế vẫn đóng cửa, người dân Australia có thể hy vọng sớm quay lại các kỳ nghỉ trong nước, đặc biệt là vào dịp nghỉ học kỳ trong tháng 7.

Nhật Bản thông báo sẽ mở cửa biên giới theo các giai đoạn sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Các doanh nhân sẽ là những người đầu tiên được phép nhập cảnh sau khi nước này mở cửa biên giới. Nhật Bản sẽ dỡ bỏ các hạn chế du lịch với một số nước theo nhóm nước thay vì riêng lẻ.

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines thông báo, ngày 15-5 Philippines đã ghi nhận 215 ca mắc COVID-19 và 16 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lần lượt lên thành 12.091 và 806 người. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 123 bệnh nhân COVID-19 bình phục, nâng tổng số người bình phục lên 2.460.

Cùng ngày, tại Singapore, Bộ Y tế nước này xác nhận phát hiện thêm 753 ca nhiễm mới nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 26.891 ca. Malaysia cũng thông báo ghi nhận thêm 36 ca nhiễm mới và không có ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Singapore vẫn đang đối mặt làn sóng lây nhiễm tại các khu ký túc xá cho lao động nhập cư. Ảnh: Straits Times

Singapore vẫn đang đối mặt làn sóng lây nhiễm tại các khu ký túc xá cho lao động nhập cư. Ảnh: Straits Times

Lào cho phép các công sở, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhưng phải tiếp tục thực hiện biện pháp phòng ngừa dịch; khuyến khích làm việc qua hệ thống điện tử trực tuyến nếu điều kiện cho phép; mở lại các hoạt động vận tải trên phạm vi toàn quốc, cho phép người dân di chuyển liên tỉnh...  mở lại các lớp học cuối cấp gồm lớp 5 tiểu học, lớp 9 và lớp 12 kể từ 18-5, các cấp học còn lại sẽ được trở lại trường từ ngày 2-6 tới, người dân được phép tổ chức hoạt động thể thao trong nhà-ngoài trời,  song phải chấp hành quy định về phòng ngừa dịch bệnh.

Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã thông qua giai đoạn 2 của quá trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ ngày 17-5, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhưng chỉ rút ngắn thời gian giới nghiêm vào ban đêm. Theo đó, trong số các loại hình kinh doanh được hoạt động trở lại có các trung tâm thương mại và nhà hàng trong trung tâm thương mại, các trung tâm hội nghị, chợ bán buôn và bể bơi. Các sân bay vẫn đóng cửa đối với những chuyến bay thương mại từ nước ngoài và các nhà hàng cũng không được phép phục vụ đồ uống có cồn tại chỗ. 

Nhân viên y tế tại một bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Daegu, Hàn Quốc ngày 29-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tại một bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Daegu, Hàn Quốc ngày 29-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dịch COVID-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 8.800 tỷ USD, tương đương 9,7% tổng sản phẩm GDP của thế giới, tăng gấp đôi so với dự báo trước đó.  Cụ thể, riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dịch COVID-19 có thể khiến các nền kinh tế ở đây chịu thiệt hại từ 1.700-2.500 tỷ USD, chiếm 30% tổng sụt giảm toàn cầu. Thiệt hại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 2.200 tỷ USD và 1.600 tỷ USD. Du lịch và hàng không là hai ngành chịu thiệt hại lớn nhất của các nền kinh tế do các biện pháp đóng cửa biên giới và phong tỏa nhằm khống chế dịch bệnh. Hạn chế đi lại có thể khiến thương mại toàn cầu - vốn chịu nhiều tác động do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, giảm tới 2.600 tỷ USD.

WHO điều tra hội chứng viêm lạ ở trẻ em

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15-5 cho biết đang tìm hiểu mối liên hệ tiềm tàng giữa đại dịch COVID-19 với hội chứng viêm hiếm gặp đang khiến nhiều trẻ em ở châu Âu và Mỹ đổ bệnh, thậm chí tử vong. Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết các báo cáo sơ bộ cho thấy hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có thể liên quan đến COVID-19. Chính vì thế, điều quan trọng là phải nhanh chóng và cẩn trọng tìm hiểu hội chứng lâm sàng, hiểu biết về nguyên nhân hậu quả cũng như các biện pháp can thiệp điều trị. 

Cho đến nay các nước châu Âu và Mỹ đã ghi nhận hàng trăm ca bệnh nhi hiếm gặp như vậy. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đặt tại Thụy Điển ngày 15-5 cảnh báo,  230 trẻ em ở châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi hội chứng lạ, trong đó có 2 em đã tử vong, một ở Anh và một ở Pháp. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa thể xác định mối liên hệ rõ ràng giữa COVID-19 với hội chứng mới, do nhiều trẻ em mắc hội chứng mới lại không dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nguồn: Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN