IMF công bố báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới

09/10/2012 - 15:36
Trụ sở Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF.

Ngày 9-10, IMF công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, với nhận định chung khá ảm đạm khi tăng trưởng trong năm nay của gần như tất cả các nền kinh tế đều giảm. So với báo cáo hồi tháng Bảy, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,5% xuống 3,3% trong năm 2012, và từ 3,9% xuống 3,6% năm 2013.

Báo cáo của IMF được đưa ra đúng vào ngày bắt đầu "tuần lễ bận rộn" của Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Tôkiô (Nhật Bản). Báo cáo chỉ rõ những chính sách đối phó không hiệu quả của các nước phát triển, đồng thời kêu gọi Mỹ và châu Âu đẩy mạnh nỗ lực đối phó với các thách thức.

Trong báo cáo của mình, IMF hạ dự báo tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á xuống 6,7% trong năm 2012 do suy thoái kinh tế ở châu Âu và tăng trưởng ảm đạm ở Mỹ khiến sức tiêu dùng giảm, nhưng sau đó sẽ đạt 7,2% vào năm 2013. Trước đó, mức dự báo IMF đưa ra hồi tháng Bảy lần lượt là 7,1% và 7,5%. IMF cũng cảnh báo khủng hoảng nợ công của Khu vực sử dụng đồng ơrô (eurozone) sẽ tồi tệ hơn, và nguy cơ các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ thất bại trong việc ngăn chặn một "vực thẳm tài chính" có thể gây thêm khó khăn cho châu Á.

IMF cho biết nhu cầu từ bên ngoài giảm đã hạ thấp tăng trưởng của một số nền kinh tế đang phát triển lớn ở Đông Nam Á như Inđônêxia, Malaixia. Tuy nhiên, kinh tế Thái Lan và Philíppin sẽ được cải thiện do sự phát triển trong lĩnh vực đầu tư và nhất là xây dựng, vốn bị ảnh hưởng của những trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm ngoái.

Về triển vọng kinh tế Nhật Bản, báo cáo cũng hạ mức tăng trưởng dự báo xuống còn 2,2% trong năm 2012 và 1,3% vào năm 2013. Dự báo hồi tháng Bảy của IMF là 2,4% và 1,5%. IMF cho rằng giải pháp nới lỏng tiền tệ sẽ hỗ trợ nền kinh tế thế giới, nhưng với kinh tế Nhật Bản, cần có thêm nhiều biện pháp khác để chống thiểu phát.

Liên quan đến Trung Quốc, nền kinh tế được coi là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng khu vực, IMF dự báo tăng trưởng sẽ giữ ở mức 7,8% trong năm 2012 nhưng có thể sẽ trở lại mức tăng trưởng nóng 8,2% vào năm 2013 do các biện pháp nới lỏng hiện nay. Tuy nhiên, tăng trưởng hai con số sẽ không tái diễn vì giới lãnh đạo nước này đang cố gắng cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Các mức dự báo trên đều thấp hơn mức dự báo hồi tháng Bảy là 8,0% và 8,2%. Theo nhận định của IMF, tăng trưởng giảm ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của các nước châu Á còn lại.

Dự báo về Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, IMF đưa ra mức tăng trưởng 4,9% năm 2012 và 6% vào năm 2013, nhưng đầu tư đang chững lại do vấp phải các vấn đề về quản lý.

Đánh giá về châu Phi, IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng suy yếu do nhu cầu toàn cầu giảm trong khi giá lương thực tăng cao. Tăng trưởng năm 2012 của châu Phi là 5% so với mức dự báo 5,3% trước đây, và 5,3% cho năm 2013 so với tỷ lệ 5,7%. Riêng Nam Phi, nước có quan hệ mật thiết về thương mại và tài chính với châu Âu, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng từ 3,3% xuống 3% vào năm 2013, chủ yếu do tác động của khủng hoảng nợ ở Eurozone, song giữ nguyên mức dự báo 2,6% cho năm 2012. IMF còn cảnh báo rằng các nước châu Phi cũng có thể bị tác động nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mạnh, vì Trung Quốc đóng vai trò quan trọng về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở châu Phi.

Nguồn ĐCS

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN