Kenya chìm trong bạo lực

03/01/2008 - 08:17

Một ông bố dẫn con chạy loạn ở Nairobi. Ảnh: AFP.

Các nhà trung gian hòa giải quốc tế hôm qua đã gia tăng nỗ lực nhằm chấm dứt làn sóng bạo lực đẫm máu ở Kenya sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi.

Vụ sát hại 50 người thuộc bộ tộc Kikuyu ở Eldoret (cách thủ đô Nairobi khoảng 298 km về phía tây bắc) hôm 1.1 đã làm tăng số người chết trong 4 ngày bạo lực tại Kenya lên hơn 275 người. Tổng thống Mwai Kibaki, người tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai hôm 30.12, sau cuộc bỏ phiếu bị phe đối lập cáo buộc là gian lận, đã kêu gọi một cuộc họp với các đối thủ chính trị nhằm giải quyết khủng hoảng.

Tuy nhiên, ứng cử viên đối lập Raila Odinga từ chối và tuyên bố rằng ông sẽ gặp Tổng thống Kibaki "nếu ông ta thừa nhận mình không đắc cử". Trong cuộc phỏng vấn với AP, ông Odinga- thuộc bộ tộc Luo cho rằng, chính quyền của ông Kibaki - thuộc bộ tộc Kikuyu đã "phạm tội diệt chủng". Đáp lại, theo BBC, phát ngôn viên chính phủ Penya Alfred Matua buộc tội ông Odinga là "thanh lọc sắc tộc". Căng thẳng tăng thêm khi Báo The Standard dẫn lời Chủ tịch Ủy ban bầu cử Samuel Kivuitu nói rằng ông "không biết liệu ông Kibaki có thắng hay không" trong cuộc bầu cử ngày 27.12 qua, và rằng ông bị ép phải công bố kết quả bầu cử.

Theo Reuters, Chủ tịch Liên minh châu Phi là Tổng thống Ghana John Kufuor hôm qua đã lên đường đến Nairobi để bắt đầu công việc mà Thủ tướng Anh Gordon Brown mô tả là một quá trình đối thoại và hòa giải ở Kenya. Những người thiệt mạng ở Eldoret đều cùng bộ tộc với Tổng thống Kibaki. Các cư dân thuộc bộ tộc Kikuyu đã chạy đến nhà thờ Assemblies of God vào đêm 31.12 sau khi nhà của họ bị những nhóm nổi loạn đốt cháy. Những người khác chạy vào các trường học và sân bay.

Sáng 1.1, khoảng 2.000 người kéo đến châm lửa đốt nhà thờ và hậu quả là 50 người chết cháy như đã nói ở trên. Nhiều thanh niên còn cầm dao rựa, gạch đá và cung tên đứng gác tại các chốt kiểm soát thô sơ. Hơn 70.000 người phải bỏ nhà cửa do tình trạng bạo lực trải dài từ vùng hồ Victoria đến bờ biển ven Ấn Độ Dương của Kenya. Nguy cơ bạo lực vẫn còn khi ông Odinga thề xúc tiến cuộc tuần hành phản đối ở Nairobi vào hôm nay bất chấp lệnh cấm của chính quyền.

Tình hình bạo lực lan rộng cùng sức ép quốc tế gia tăng có thể buộc ông Kibaki tìm kiếm thỏa hiệp với phe đối lập. EU và Mỹ từ chối chúc mừng ông Kibaki. Hai ngoại trưởng Anh và Mỹ hôm qua ra thông cáo chung kêu gọi "các lãnh đạo chính trị Kenya tham gia thỏa hiệp và đặt nền dân chủ Kenya lên trên hết". Theo giới quan sát, cuộc bầu cử liên quan nhiều hơn đến các vấn đề chính trị và kinh tế, nhưng có khả năng nó sẽ bùng phát thành bạo lực sắc tộc, thậm chí nội chiến, khi những người thiệt mạng ở Eldoret đều là người Kikuyu - bộ tộc bị cáo buộc chiếm hầu hết các đặc quyền chính trị và kinh tế ở Kenya. Những diễn biến ở đây khiến cộng đồng quốc tế nhớ lại thảm họa diệt chủng làm chết nửa triệu người ở Rwanda hồi năm 1994.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN