Mỹ cử 3 tàu sân bay đến Ấn Độ-Thái Bình Dương giữa lúc quan hệ căng thẳng với Trung Quốc

13/06/2020 - 14:01

Lần đầu tiên trong gần 3 năm, 3 tàu sân bay Mỹ đến vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương để tuần tra.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan thuộc quân đội Mỹ. Ảnh: Reuters

Tàu sân bay USS Ronald Reagan thuộc quân đội Mỹ. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết việc phô trương lưc lượng trong vùng biển khu vực ở thời điểm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy Hải quân Mỹ đã hồi phục từ những ngày tồi tệ nhất của dịch COVID-19.

Sự hiện diện của 3 tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz, USS Ronald Reagan cùng chiến đấu cơ, tàu khu trục của Hải quân Mỹ diễn ra cùng thời điểm Washington gia tăng chỉ trích Bắc Kinh về cách xử lý dịch COVID-19, thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong (Trung Quốc) và các hoạt động quân sự trái phép tại Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt với nhiều chỉ trích về cách xử lý dịch COVID-19 của ông. Nhưng bản thân ông trách cứ Trung Quốc đã “không thể cảnh báo thế giới về rủi ro của COVID-19. Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến không để cử nhân hoặc các nhà nghiên cứu Trung Quốc nghi ngờ có liên quan tới quân đội nước này được nhập cảnh vào Mỹ”.

Bà Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Nhiều bài viết của Trung Quốc cho rằng Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, tình trạng sẵn sàng quân sự kém. Do vậy, Mỹ nỗ lực để thể hiện rằng Trung Quốc không nên nhận định sai. Trong khi đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ khắc họa đây là ví dụ của khiêu khích từ Mỹ và là bằng chứng cho thấy Washington là nguồn gốc gây bất ổn trong khu vực”.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang hoạt động ở Biển Philippine gần đảo Guam. Trong khi đó nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz lại nằm ở Bờ Tây nước Mỹ. Tàu USS Ronald Reagan đã rời cảng ở Nhật Bản. Chỉ hủy Hải quân Mỹ cho biết có hàng chục chiến hạm khác đang hoạt động quanh Thái Bình Dương.

Tàu USS Theodore Roosevelt quay trở lại nhận nhiệm vụ sau hơn 2 tháng ở ngoài khơi Guam vì dịch COVID-19 lây lan giữa các thủy thủ. Một số thủy thủ tại USS Nimitz và USS Ronald Reagan cũng dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) dẫn đến quá trình cách ly và đảm bảo an toàn phải thực hiện trước khi những chiến hạm này được triển khai.

Trên những tàu sân bay này, các thủy thủ được đo thân nhiệt hàng ngày, đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: AFP

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: AFP

AP đánh giá hiện diện của 3 tàu sân bay trong khu vực là bất thường bởi chiến hạm này thường đến đây để sửa chữa, cập cảng, huấn luyện hoặc trung chuyển để đến những khu vực khác. Nhưng các chỉ huy Hải quân Mỹ cho biết họ đã có thể giành lợi thế nhờ thời điểm, đặc biệt trong giai đoạn Mỹ cạnh tranh sức mạnh với Trung Quốc.

Chiến thuật phòng thủ quốc gia Mỹ coi Trung Quốc là đe dọa an ninh hàng đầu. Nhiều quan chức Lầu Năm Góc còn tìm cách chuyển nguồn lực quân sự tới Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối trọng với ảnh hưởng kinh tế, sức mạnh quân đội Trung Quốc.

Chuẩn Đô đốc Stephen Koehler tại Bộ Chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương nhận định: “Hàng không mẫu hạm và nhóm tác chiến tàu sân bay tấn công là biểu tượng của sức mạnh Hải quân Mỹ. Tôi thật sự hào hứng khi có 3 tàu sân bay ở thời điểm này”.

Chuẩn Đô đốc Stephen Koehler cho biết các chiến hạm vẫn duy trì nhiệm vụ cùng đồng minh và đối tác trong khu vực, huấn luyện trên biển, tuần tra ở một số vùng đặc thù. Nhưng thay đổi then chốt là khả năng cập cảng nước ngoài của các tàu chiến này.

Đến nay, Guam được coi là cảng an toàn duy nhất tại Thái Bình Dương để chiến hạm Mỹ cập cảng. Thủy thủ sẽ bị hạn chế không được di chuyển tự do trong các thành phố trên đất liền.

Chuẩn Đô đốc Koehler cho biết khó có khả năng nhóm tác chiến tấn công của cả 3 tàu sân bay duy trì ở Thái Bình Dương trong thời gian dài nhưng “đó là điều chúng tôi có thể thực hiện nếu muốn”.

Nguồn: Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN