Huy chương bạc “vàng mười”

11/09/2020 - 07:20

(Theo Bongda.com)

(Theo Bongda.com)

Khoảng giữa thập niên 1990, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nghĩ đến lúc cần thiết phải có một huấn luyện viên (HLV) ngoại. Sau 3 HLV được mời đến từ các cường quốc bóng đá như Brazil, Đức, Anh, VFF ký hợp đồng lần đầu tiên với ông Alfred Riedl đến từ nước... Áo. Dĩ nhiên lúc đầu người hâm mộ sẽ đặt nghi vấn về mục tiêu đổi màu huy chương bạc sau SEA Games 1995, vì bóng đá Áo ở mức “thường thường bậc trung” và một HLV xuất thân từ cầu thủ như ông Alfred Riedl thì tài năng cầm quân chắc cũng “xêm xêm” như vậy. Riêng tôi, điều ấn tượng nhất là ông từng đoạt giải chiếc giày đồng Châu Âu và “toàn cảnh” nền bóng đá Áo mà chỉ hiếm hoi mới được xem từ sóng chuyển tiếp của truyền hình Liên Xô qua trạm vệ tinh mặt đất Hoa Sen.

Thời gian 6 năm dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia của một HLV ngoại như ông Alfred Riedl có lẽ là một kỷ lục khó phá. Với thành tích 1 huy chương (HC) bạc, 1 HC đồng ở AFF Cup (ban đầu là Tiger Cup) và 3 HC bạc ở Sea Games là một kết quả tuy không đúng như mong đợi nhưng cũng đáng quý nếu như ta nhận ra rằng các đối thủ không phải là hạng “dễ chơi”.

Nếu không kể những thành công gần đây của HLV Park Hang-Seo thì ông Alfred Riedl chỉ “thua” ông Henrique Calisto HC vàng ở AFF Cup. Nếu nói thể thao ngoài tài năng thì cần đến sự may mắn, số phận chưa bao giờ mỉm cười với người “phận bạc” như ông Alfred Riedl. Ông Henrique Calisto chiến thắng nhờ cái “ót” của Công Vinh (đánh đầu ngược vào cầu môn đối phương) thì ông Alfred Riedl thất bại vì bởi cái “lưng” cầu thủ Sasi Kumar của Singapore. Nghiệt ngã!

Đầu tuần này, truyền thông Indonesia một lần nữa “nhanh” hơn khi đưa tin ông Alfred Riedl qua đời tại quê nhà Áo ở tuổi 70 vào tối ngày 7-9-2020 sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư. Tôi dùng từ “một lần nữa” là vì trước đó, chính người Indonesia đã tổ chức được cuộc gặp mặt đầy nước mắt giữa ông và người hiến thận Việt Nam giấu tên. Tôi tiếc rằng chương trình này lẽ ra được phát trên sóng truyền hình Việt Nam.

Nghề HLV chuyên nghiệp cũng khá bạc bẽo, thắng thì được đưa lên tận “mây xanh” nhưng thua rất dễ bị sa thải hoặc chịu sức ép phải từ chức. Không ngoại lệ, ông Alfred Riedl từng bị sa thải nhiều lần. Riêng trong thời gian làm việc ở Việt Nam, ông phải ký hợp đồng dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam ở 3 giai đoạn khác nhau (1998 - 2001, 2003, 2005 - 2007) xen kẽ các HLV ngoại khác. Thậm chí có thời điểm VFF dùng ông như là kẻ “lót đường” cho ông Henrique Calisto.

Trong cuộc đời làm HLV của ông, theo tôi, lần khó khăn nhất chính là dẫn dắt đội Indonesia loại Việt Nam khỏi bán kết AFF Cup 2016 khi ông đang mang trong mình quả thận của người hâm mộ Việt Nam hiến tặng. Có nhiều lời lẽ không hay của các khán giả quá khích dành cho ông tại thời điểm đó nhưng có lẽ bây giờ ông đã bỏ qua.

Truyền thông Việt Nam hình như gặp khó khăn khi đọc tên ông. Mỗi người đọc một kiểu. Rít-Đờ, Rí-Đồ, Rai-Đờ... đến nỗi ông từng phàn nàn: “Hãy đọc đúng tên tôi!” Ông Alfred Riedl từng thừa nhận Việt Nam là quê hương thứ hai của ông. Ông từng có dự định cùng vợ mua nhà ở Việt Nam nhưng không thành. Được biết, ngôi nhà ở thủ đô Vienna, nơi ông trút hơi thở cuối cùng xung quanh có hàng rào và cây trồng giống như ngôi nhà ở Việt Nam. Nói tới nhà, tôi sực nhớ câu nói nổi tiếng của ông: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Các trung tâm đào tạo bóng đá chuyên nghiệp hiện nay như: Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Trung tâm thể thao Viettel, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, Học viện bóng đá Juventus... phải chăng từ câu nói của ông mà hình thành để trở thành những “nền nhà” vững chãi của bóng đá Việt Nam.

Xin có đôi dòng chia sẻ cùng bạn đọc về vị HLV đã mang đến cho bóng đá nước nhà những chiếc huy chương bạc “vàng mười” không phai trong lòng người hâm mộ. Thú thật do chưa biết gọi tên sao cho đúng, mạn phép được viết dòng cuối cùng cho ông: “Rest In Peace, Alfred Reidl!”.

Nguyễn Võ Khang Hạ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích